Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí của doanh nghiệp xã hội như thế nào? Độc giả cùng đồng hành với Trần Trí Dũng trong bài viết này nhé!

1. Doanh nghiệp xã hội là gì?

Theo quy định pháp luật Việt Nam, không có quy định cụ thể về doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên có thể hiểu là doanh nghiệp xã hội được thành lập.  Nó nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Họ sử dụng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư và thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

Các loại mô hình doanh nghiệp xã hội hiện nay gồm có:

Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận

Đây là mô hình các:

  • Tổ chức
  • Nhóm tình nguyện
  • Hiệp hội, trung tâm của người khuyết tật
  • Trung tâm người chung sống với HIV/AIDS…;

Doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận, có định hướng xã hội

Đây là mô hình kinh doanh mặc dù có lợi nhuận. Nhưng không bị chi phối về lợi nhuận hay đặt nặng vấn đề về tài chính. Họ chỉ chú trọng vào mục đích chia sẻ các dự án môi trường, xã hội. Tất cả là vì cộng đồng. Đa số lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tái đầu tư. Hoặc trợ cấp cho các hoạt động này;

Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận

Đây là doanh nghiệp do các cá nhân hay tổ chức đứng ra thành lập. Họ kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội. Họ thường hoạt động dưới hình thức của công ty TNHH hay công ty cổ phần. Lợi nhuận thu được chủ yếu để tái đầu tư hoặc mở rộng phát triển xã hội.

2. Tiêu chí doanh nghiệp xã hội

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020. Tiêu chí doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng bao gồm:

  • Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
  • Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, ngoài quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
  • Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
  • Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 trong suốt quá trình hoạt động;
  • Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Lưu ý: Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội

Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội và chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp xã hội căn cứ theo Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP, cụ thể:

– Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động.

Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm khoản 1 Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP.

5. Điều kiện thành lập doanh nghiệp xã hội

Điều kiện về vốn điều lệ

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (ngoại trừ những ngành nghề kinh doanh yêu cầu về vốn), do đó, tùy theo ngành nghề và quy mô kinh doanh, chủ sở hữu công ty có thể đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của mình nhưng phải đảm bảo góp đủ số vốn đã đăng ký trong 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Điều kiện về trụ sở chính

Địa điểm được chọn làm trụ sở chính của doanh nghiệp xã hội phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng, được xác định rõ số nhà, ngách, hẻm, ngõ, phố, thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Không đặt trụ sở công ty tại địa chỉ là căn hộ chung cư (trừ căn hộ chung cư có chức năng thương mại) hoặc nhà tập thể.

Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp

Tất cả tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau:

    • Tổ chức có tư cách pháp nhân;
    • Cá nhân từ đủ 18 tuổi; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
    • Không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp.

Điều kiện về tên của doanh nghiệp xã hội

    • Tên của doanh nghiệp xã hội phải đảm bảo 2 thành tố: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng;
    • Loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân;
    • Có thể bổ sung cụm từ “xã hội” vào tên riêng doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội ngôi sao Phương Nam;
    • Không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc.

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Doanh nghiệp được quyền đăng ký kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm, nhưng các ngành nghề đó phải nằm trong hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam. Đối với những ngành, nghề có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện của từng ngành nghề theo quy định của pháp luật.

6. Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thành lập doanh nghiệp xã hội theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội cũng phải tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có:

 

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp xã hội;

 

 

 

  • Điều lệ doanh nghiệp xã hội;

 

 

 

  • Danh sách thành viên/cổ đông góp vốn;

 

 

 

  • Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;

 

 

 

  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của các thành viên hoặc cổ đông góp vốn và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

 

 

 

  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu không phải là đại diện pháp luật của công ty đi nộp);

 

 

 

  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người nộp hồ sơ (nếu có).

 

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội về cơ bản giống với doanh nghiệp bình thường. Chỉ khác là trong điều lệ, tại phần cam kết thì phải ghi công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội với các mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Công ty có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội theo của quy định tại điều 10 của Luật Doanh nghiệp.

Nộp hồ sơ

Sau khi hoàn thành hồ sơ, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đăng ký online tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/ thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.

Thời gian giải quyết

Từ 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.

Kết quả nhận được

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh đăng tải cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại từ đầu.

Link tham khảo

Trần Trí Dũng
 

Trần Trí Dũng Đây là 3 tính cách mà mọi người thường hay nói về Dũng: Giản dị, Chia sẽ, Vui vẻ Còn bạn thấy Dũng như thế nào? Hãy để lại coment của mình nhé

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments