Bạn có biết 100% chúng ta đều bị “bệnh” về Tâm?
Trong khóa thiền có rất nhiều người đặt câu hỏi phiền não cho sư cô: Lớn tuổi có nỗi khổ về con cái, trẻ tuổi có nỗi khổ về tình cảm, người giàu/nổi tiếng cũng có nỗi khổ, và có cả mình cảm thấy chỉ số Hạnh Phúc rất cao, mà tham gia cũng phát hiện có nhiều phiền não
Mình đã định viết bài cảm nhận này sau khi khóa thiền về, nhưng mình muốn thực hành nó trong cuộc sống để có góc nhìn thực tế hơn, chứ không chỉ cảm nhận của một người mới đi thiền về
Bài sẽ hơi dài nhé!
Quay ngược thời gian khoảng 2 tháng trước ngày 10/2 bắt đầu Khóa Thiền Vipassana, mình tham gia khóa thiền do nghe nhiều người nói Hay lắm, do tò mò sao ai đi về cũng khen
Chứ bản thân lúc đó nghĩ mình rất ổn, sau khóa thiền mình mới biết bị “ung thư Tâm” luôn. Dũng ví như vậy vì những bệnh khác thường được biểu hiện ra ngoài để chúng ta chữa, còn này cứ âm thầm làm Strees đến nỗi rụng gần hết cả tóc
Cám ơn Anh Trực đã gieo duyên mình đến với khóa thiền tuyệt vời
Cám ơn Thầy trụ trì Bửu Chánh, Sư Cô Huyền Linh đã chia sẻ về Phật Pháp, về hành thiền
Cám ơn ban hộ thiền đã phục vụ khóa thiền vô điều kiện
Và cám ơn 2 tác giả Fususu và Hưng Tươi đã viết quyển sách “Làm bạn cảm xúc” cũng nhắc đến khóa thiền Vipassana nên mình quyết tâm đi hơn
Quy định của khóa thiền Vipassana
Đây là trãi nghiệm 10 ngày đi thiền không điện thoại, không nói chuyện, dậy lúc 4h30 ngủ 21h30, ngày ăn chay 2 bữa và cứ 1 tiếng ngồi thiền, 1 tiếng thiền hành (là thiền trong lúc đi)
Nếu bạn từng tìm hiểu về khóa Thiền Vipassana không biết có bị ngại 3 vấn đề sau không?
Không sử dụng điện thoại, vật bất ly thân ngày nào cũng sử dụng 4-6h mà giờ không đụng vô có thành người tối cổ không ta? Rồi lỡ có công việc gấp thì làm sao mọi người liên lạc với mình
Không nói chuyện. Đây là quy định mình cảm thấy khó khăn nhất, và có lẻ đúng thật vì mình thấy nhiều bạn vi phạm quy định này nhất trong khóa thiền nhất
Chỉ ăn 2 bữa. Này thì mình cũng không ngại lắm chỉ có vợ là ngại giúp nên chuẩn bị cho gần nữa vali lương thực. Cám ơn vợ Tuy nhiên mình chấp hành quy định này rất tốt, 10 ngày chỉ 1 ngày phá giới ăn mì tôm buổi tối thôi
Hành trình cảm xúc trong 10 ngày
Ngày 1: Mình đến đăng kí lúc 9h sáng, gửi điện thoại về phòng tập thể khoảng 30 người. Nhà chùa sẽ cho bạn mượn, chiếu, mùng, gối luôn, riêng mình thì tự chuẩn bị. Đến 19h mới khai mạc khóa thiền lúc này mình mới thấy tính tương đối của thời gian. Bình thường ở công ty thấy thời gian cứ vèo vèo, vậy mà giờ ở chùa không làm gì thời gian lâu ơi lâu, cảm giác phải gấp 3 lần bình thường.
Ngày 2: Bắt đầu 4h sư cô Huyền Linh hướng dẫn thiền Vipassana là gì? Những bước thực hành quan sát hơi thở, cách định tâm, cứ 1h bạn ngồi thiền, sau đó là 1h bạn đi kinh hành (định tâm trong bước chân).
Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại
Cách thực hành thiền tóm tắt như sau:
Tập trung: Bắt đầu bằng cách tập trung vào hơi thở, cảm nhận sự lưu thông của khí vào và ra khỏi cơ thể. Nếu suy nghĩ xuất hiện, hãy đưa tâm trí trở lại hơi thở.
Quan sát cơ thể: Dùng sự tập trung để quan sát các cảm nhận trong cơ thể, nổi trội như: đau, vui, buồn, tham, sân si…. Tập trung vào các hoạt động như bước đi, nhai, uống…
Chấp nhận: Chấp nhận các cảm giác và cảm nhận mà không đánh giá, không phán xét, không cố gắng thay đổi chúng.
Tập trung vào thực tại: Tập trung vào thực tại hiện tại, không suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai.
Ngày thực hành thiền này mình rất khó tập trung được Tâm, nó cứ như chú chim rừng bị nhốt trong đầu bạn. Nó cứ tông vào lồng ầm ầm, làm rất đau đầu.
Ngày 3: Bạn có bao giờ thử ngồi thiền và bị ngủ gật chưa? Gọi theo thuật ngữ chuyên môn của thiền là “Hôn trầm” một trạng thái gật gù, sắp ngủ nhưng còn nhận biết được xung quanh. Nguyên ngày thứ 3 này mình vẫn bị nhức đầu và liên tục rơi vào tình trạng đó. Tối thì khó ngủ nữa vì ngủ tập thể có vài bạn ngáy hơi to
Ngày 4: Bắt đầu ngày nay đã lác đác rơi rụng một số thành viên đâu đó mình quan sát khoảng 10% rồi. Riêng mình thì ngày này đã không còn đau đầu nữa, ít bị hôn trầm hơn nhưng đau về ngồi thiền nhiều, và tâm thì nhớ về những chuyện buồn, vui, quá khứ.
Lúc này do bạn ngồi thiện tập trung nên những hình ảnh này rất sắc nét, cảm xúc cũng được nhân lên rất nhiều
Chính vì điều này nên những cảm xúc nhớ nhà, lo lắng cho công việc làm cho mình cũng không định tâm được. Lúc này nhiều bạn thiền khác đặt câu hỏi cảm giác khi “cận định”, hỏi những trãi nghiệm khi tiến bộ càng làm mình thấy nôn nóng hơn.
Ngày 5: Bước ngoặt
Nguyên sáng hôm nay mình vẫn có những cảm giác tương tự như trên, không có sự tiến bộ nào. Tối hôm đó Sư Cả thầy Trụ Trì từ Thái Lan về và Ngài thuyết pháp đêm đầu tiên.
Trước khi thầy thuyết pháp nhà hàng xóm hát Karaoke nên Thiền viện rất ồn và khó tập trung. Ngài dùng chính việc này để giảng về thiền Vipassana luôn, thầy mô tả có phải khi vừa nghe âm thanh này tâm của bạn bắt đầu Nghe => Khó Chịu => chuyển qua Sân không?
Vậy tại sao chúng ta không biến việc này thành một đề mục để để Tâm quan sát, và xem đúng hành trình như vậy không? Và khi bạn quan sát được hành trình đó cũng không phán xét chỉ ghi nhận thôi, và bạn thấy sự khó chịu sẽ mất đi
Thầy còn giảng chúng ta đã đi được nữa chặng đường rồi, các bạn phải trân quý quãng thời gian quý báu này. Thầy còn ví dụ như chuyện đi buôn bỏ hết chuyện ở nhà vô đây, nếu tính tiền lương, những điều ta sẽ làm được trong 10 ngày là ra bao nhiêu, đó là chi phí của khóa thiền này. Vậy mà các bạn ngồi đây lại lo lắng chuyện ở nhà, rồi không thu hoạch được gì có phải là đi buôn lỗ vốn không?
Tối đó mình càng suy nghỉ về lời Sư cả dậy hơn cộng với tiếng “Ngáy” của các bạn khác đến tận 12h mà vẫn chưa ngủ được. Lúc này mình thử áp dụng lời Sư thầy dạy.
Mình tập trung quan sát hơi thở => quan sát tiếng ngáy => Lúc này quan sát thấy cảm giác khó chịu (sân) nổi lên => chỉ quan sát ghi nhận => Một lúc sau tiếng Ngáy chỉ là tiếng Ngáy, như bao tiếng khác, mình không còn cảm giác khó chịu khi nghe nữa => Một lúc sau thì mình quên luôn việc nghe tiếng ngáy và quay lại hơi thở. Lúc này một cảm giác vô cùng sáng trong tâm, cảm giác rất minh mẫn như một bản thân khác mình đang quan sát ghi nhận tâm của mình vậy. Đây chính là cảm giác Tiến bộ khi hành thiền mà sư Thầy đã nói.
Lúc này mình còn nhớ trong lúc đó còn làm mấy câu thơ con Nhái:
“Tiếng Ngáy ai trong như tiếng hát Ka (Karaoke) – Đêm nằm nghe ngáy chỉ mình ta – Dùng tâm chánh niệm để quan sát – Tiếng ngáy bổng hay như tiếng đàn”
Những ngày thứ 6 – thứ 9 khi thực hành thiền có những lúc mình vẫn thực hành được cảm giác này, có lúc không? Và cảm giác trong những ngày này rất an bình, những phiền não được nhìn nhận đúng bản chất của nó. Nên nếu bạn có đi thiền hãy cố gắng thực hành đến ngày thứ 5 có lẻ đây là điểm “Nút” tích lũy thực hành đủ thì sẽ ra kết quả
Đến ngày thứ 10: Thật ra chỉ ½ ngày thôi lúc này ban tổ chức đã gửi lại điện thoại. Lúc này mọi người chỉ cảm giác hân hoan, gọi về cho người thân, chụp hình, xin chụp với Sư cô, sư thầy, bạn thiền, giao lưu xin thông tin nhau… Một cảm giác rất hoan hỉ tuyệt vời.
Khi trở về nhà trong 10 ngày đầu tiên mình vẫn có cảm giác Chánh niệm làm, nói, ăn đều quan sát từng hành động. Cũng bỏ luôn những thói quen xem facebook, giảm hẳn việc sử dụng điện thoại theo thông báo giảm 46% thời gian sử dụng.
Sau khóa thiền
Trở lại với công việc cuộc sống khoảng một tháng sau thì tâm như dòng nước trong dần hòa với công việc, các mối quan hệ và mình trở lại cuộc sống thường nhật như trước khi đi thiền khiến dòng suối bớt trong xanh lại
Tuy nhiên nó vẫn trong hơn lúc trước đi thiền, và bây giờ mình đã có một cái Van tiết chế những điều “phiền não” chảy vào tâm trí bằng cách. Thiền 5 phút, 10 phút, 30 phút bất cứ lúc nào cảm thấy căng thẳng, hay có cơ hội cứ thực hành là lại tiết giảm được những điều phiền não trên
Tóm lại qua hành trình thiền này mình đúc kết được 3 bài học.
Bài học 1: Phật pháp thật là khoa học, có công cụ thiền để giúp tâm chúng ta bình an, có những sách Pháp lời dạy của Đức Phật dễ hiểu để chúng ta sống tốt trong kiếp hiện tại
Bài học 2: Là phương pháp hành thiền này thật hiệu quả, không nhất thiết phải lên núi, vô chùa mà bất cứ lúc nào bạn chỉ cần quan sát Chánh niệm từng giây phút, là bạn cũng đã bỏ heo được những điều tốt đẹp
Bài học 3: Trước đây mình cứ nghỉ mình học tập những tư duy tích cực nên xử lý sự việc rất hợp lý, mình có thể quản trị được cảm xúc. Ví dụ như con cái, hoặc vợ làm điều không như ý, mình vẫn nhẹ nhàng xử lý theo hướng tích cực
Nhưng sau khi học thiền trước khi xử lý mình vẫn nổi giận trong tâm, sau khi giải quyết tích cực mình nhiều khi vẫn bực mình không buông xả được. Nên mình mới ví việc này như “Ung thư tâm”
Vì người ta stress thì tìm cách chữa, còn mình thì không thấy vấn đề nó như căn bệnh ung thư âm thầm bào mòn trí lực của mình. Chính vì vậy nếu được bạn thử trãi nghiệm khóa thiền biết đâu sẽ quan sát được vấn đề của mình
Cám ơn bạn đã đọc một bài dài như thế này!
Mong rằng bạn cũng sẽ có duyên trãi nghiệm một khóa thiền Vipassana