Quan điểm của SHARK Phú về câu chuyện khởi nghiệp
Trần Trí Dũng chia sẻ quan điểm của SHARK Phú về câu chuyện khởi nghiệp. Bạn đọc hãy dành một vài phút ngắn ngủi để tham khảo nhé!
Thuở ban đầu khởi nghiệp khó khăn, chẳng ai tính toán gì, cứ lao đầu vào làm. Nhưng khi công ty có chút thành tựu, trong team sáng lập ai sẽ là người đứng trên điều hành? Ai chịu thiệt đứng dưới? Ai dám góp vốn mà không mang tư duy “tôi phải điều hành”, phải can thiệp. Tất cả vì lí lẽ “tiền của tôi mà…”?
Quan điểm của SHARK Phú về câu chuyện khởi nghiệp
Chia sẻ từ chính câu chuyện của nội bộ, khi rất nhiều nhóm nhân viên của tập đoàn xin nghỉ việc để lập nghiệp cùng nhau, Shark Phú chỉ cười và thách: “Đố bọn em tồn tại qua 3 năm”.
“Nói thật, trong hàng chục team nghỉ công ty ra Startup, rất hiếm team nào thành công. Một số ít thành công là bạn ấy ra làm một mình, gọi 1 – 2 nhân viên khác ra làm cùng nhưng bạn ấy trả lương thì thành công”.
“Chứ 4 – 5 người ngang nhau, góp tiền ngang ngang nhau, chỉ được 2 – 3 năm thôi. Thua lỗ thì cãi nhau giải tán. Thành thì lại tách ra làm riêng”, ông Phú nhận định.
Ông Phú nhìn nhận rất nhiều team hiện tại cứ ngồi bàn ý tưởng rồi góp vốn ngang nhau, không phân định vị trí rõ ràng, quyền lợi rõ ràng thì sau khắc tị nạnh người làm nhiều, làm ít.
Làm sao đi cùng nhau lâu dài? Một team nòng cốt cần những thành tố nào?
Theo Chủ tịch HĐQT Sunhouse, để đi được cùng nhau lâu dài, ngay từ buổi sơ khai phải phân chia rõ ràng quyền lực và quyền lợi trong tổ chức. Phải tách bạch được quyền điều hành và quyền sở hữu. Người góp vốn sẽ được hưởng lợi tức, kẻ góp sức sẽ được hưởng lương.
Người nhận lương cũng phải nhận theo cấp bậc, vị trí, và phải có các tiêu chí đánh giá rõ ràng như nhân viên.
“Làm với nhau phải rõ ràng. Cả nhóm cùng góp vốn nhưng ai là Leader phải làm rõ, không thể lẫn lộn vai trò. Ai cũng có quyền quyết thì team rất dễ tan”, ông Phú nói.
“Để tách được điều đó rất khó. Tôi thấy hiếm có người nào làm được trong tư duy, mà thường có suy nghĩ “Tôi góp tiền vào phải được tham gia điều hành, phải được can thiệp… Tiền của tôi mà””.
Một yếu tố khác giúp team đi xa được với nhau, theo ông Phú, là người đứng đầu phải khác biệt, rất độ lượng, có tầm nhìn, và chấp nhận hy sinh những cái nhỏ. Có những trường hợp lập nghiệp cùng nhau, sau phải mở ra những công ty con, để những thành viên sáng lập chia ra quản lý.
“Làm chung thì phải rõ ràng.”
“Đừng vì là bạn bè với nhau mà ngại. Không thì dăm bữa, nửa tháng, giỏi lắm được 2 – 3 năm là cãi nhau. Nếu cần, mời luật sư đến làm rõ ràng ngay từ đầu. Như thế may ra team mới tồn tại lâu dài”. Shark Phú khuyên nhủ.
Về việc chọn Cofounder, ông Hoàng Tùng – Founder Pizza Home và Cofounder Mopi – cho rằng: Mọi người hay chọn partner với nhau là do rất là quý nhau. Nhưng mà chọn những người partner với nhau cần chọn những người khác mình.
Hai người cùng thích marketing mà mở công ty cùng nhau thì suốt ngày “chém nhau” về marketing. Họ sẽ giẫm chân nhau về chuyên môn.
“Quan trọng nhất là chọn những người có năng lực khác mình. Họ phải bù trừ cho nhau. Một starup theo mình nghĩ có 3 phần quan trọng: Một người giỏi về mặt sản phẩm. Một giỏi về Marketing. Người còn lại giỏi Vận hành”. Ông Tùng nhận định.