Doanh thu là gì? 9 cách tăng doanh thu cấp số nhân cho doanh nghiệp

Đăng ngày 12/10/2024 lúc: 15:2218 lượt xem

Doanh thu là gì? 9 cách tăng doanh thu cấp số nhân cho doanh nghiệp

Doanh thu là gì? 9 cách tăng doanh thu cấp số nhân cho doanh nghiệp là gì? Cùng CEO Trần Trí Dũng tìm hiểu kiến thức trong bài này nhé!

Thuật ngữ doanh thu là thuật ngữ rất quen thuộc đối với những người làm kinh doanh. Tuy vậy, việc hiểu rõ doanh thu là gì cũng như công thức tính các loại doanh thu thì không hẳn ai cũng nắm rõ. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ tất tật về doanh thu là gì cũng như cách tăng doanh thu hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Doanh thu là gì?

Theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 đã định nghĩa doanh thu như sau: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, sản xuất thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm phát triển vốn chủ sở hữu”.

Như vậy, hiểu đơn giản, doanh thu là phần giá trị mà doanh nghiệp thu được trong quá trình:

  • Hoạt động kinh doanh bằng việc bán các sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Hoạt động tài chính.
  • Doanh thu nội bộ.
  • Hoạt động bất thường
doanh thu là gì

Doanh thu là một trong những con số mà doanh nghiệp cần quan tâm sát sao. Nó giúp doanh nghiệp đánh giá được tình hình hoạt động kinh doanh tại 1 thời điểm nhất định. Từ đó có thể biết được doanh nghiệp có đang làm việc hiệu quả hay không.

Ý nghĩa của các loại doanh thu

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh

Đây là các khoản thu được từ việc mua bán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh là nguồn thu quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp chi trả phần lớn các chi phí hoạt động sản xuất cũng như giảm áp lực vay ngoài.

Doanh thu từ hoạt động tài chính

Đây là khoản thu từ hoạt động đầu tư chứng khoản, tiền thu hồi, các khoản tiền thanh lý hoặc các khoản góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng có thể từ lãi tỷ giá hối đoái hoặc chênh lệch bán ngoại tệ…

Doanh thu nội bộ

Khoản thu này được tính từ việc mua bán hàng hóa, sản phẩm/dịch vụ nội bộ. Có thể là giữa các đơn vị trong cùng một công ty hay một tập đoàn.

doanh thu có được từ nội bộ

Doanh thu bất thường

Doanh thu bất thường là khoản tiền không xuất hiện thường xuyên. Lý do bởi nó xuất phát từ việc doanh nghiệp bán vật dụng thừa, thanh lý tài sản. Hoặc có thể là những khoản phải chi trả nhưng không cần chi trả nữa.

Phân biệt doanh thu với doanh thu thuần, doanh thu ròng

Như đã nói ở trên, doanh thu là khoản tiền thu được trong quá trình bán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp và một số các hoạt động khác. Vậy phân biệt như thế nào về các loại doanh thu này?

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu thuần là khoản thu của doanh nghiệp sau khi trừ tất cả chi phí liên quan đến thuế. Đó là chi phí thuế chiết khấu, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc các khoản chiết khấu thương mại.

Doanh thu ròng là gì?

Doanh thu ròng chính là khoản thu của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi tất cả các khoản chi phí. Đó là chi phí thuế, khấu hao hoặc chi phí bảo trì…

Công thức tính doanh thu chuẩn

Cách tính tổng doanh thu

Tổng doanh thu có thể được tính theo 2 công thức:

Tổng doanh thu = Giá cả của hàng hóa/dịch vụ x Số lượng hàng hóa/dịch vụ bán ra

Tổng doanh thu = Số lượng khách hàng x Số lượng giao dịch x Doanh thu trung bình 1 lần mua

Cách tính doanh thu thuần

Doanh thu thuần (Net Revenue) là khoản tiền doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hóa dịch vụ sau khi đã khấu trừ các loại thuế và các loại giảm giá.

công thức tính doanh thu cho doanh nghiệp

Doanh thu thuần = Tổng doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu

Trong đó, các khoản giảm trừ doanh thu gồm Thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán.

Số liệu của doanh thu thuần sẽ giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt được tình hình tiêu thụ sản phẩm cũng như khoản tiền công ty thu về. Từ đây, doanh nghiệp cũng sẽ tính toán được lợi nhuận thu về là bao nhiêu.

Cách tính doanh thu ròng

Doanh thu ròng chính là khoản thu của doanh nghiệp sau khi trừ đi các loại chi phí liên quan đến thuế hoặc các hoạt động bảo trì, khấu hao…

Doanh thu ròng = Tổng doanh thu – (Chi phí sản xuất + Chi phí kinh doanh + Thuế)

Dựa vào số liệu của doanh thu ròng, doanh nghiệp có thể biết tình hình hoạt động đang lãi hay lỗ. Từ đó có những điều chỉnh chính sách hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

9 cách tăng doanh thu theo cấp số nhân cho doanh nghiệp

Tăng khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu

Khách hàng chắc chắn là một phần doanh nghiệp không thể bỏ qua khi muốn tăng doanh thu. Nếu không có khách hàng thì doanh nghiệp không có doanh thu. Vì thế, doanh nghiệp cần tăng cường khả năng tiếp cận được khách hàng tiềm năng càng nhiều càng tốt.

Một số phương pháp để tiếp cận khách hàng tiềm năng có thể kể đến như:

– Tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng thông qua các kênh online

  • Tối ưu trang Facebook
  • Chạy quảng cáo Facebook Ads
  • Sử dụng Email Marketing
  • Tổ chức các khóa học
  • Tặng ebook miễn phí
  • Thực hiện các bảng khảo sát

– Tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các kênh truyền thống

  • Các bảng quảng cáo ngoài trời, trong nhà, trên xe buýt…
  • Quảng cáo trên tivi, báo đài
  • Tổ chức các sự kiện hoặc buổi tọa đàm
  • Tổ chức các chương trình dùng thử sản phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại

– Tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua quan hệ hợp tác

  • Hợp tác với các KOLs hoặc KOCs
  • Hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng

– Tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua hoạt động xã hội

  • Hỗ trợ xây nhà tình thương
  • Các hoạt động bảo vệ môi trường
  • Giúp đỡ trẻ em nghèo đến trường
tiếp cận khách hàng tiềm năng để tăng doanh thu
Gia tăng tiếp cận với khách hàng tiềm năng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hiệu quả.

Để bước tiếp cận khách hàng tiềm năng thực sự mang lại hiệu quả, tăng doanh thu cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần xác định chính xác khách hàng tiềm năng của mình là ai. Chỉ khi xác định đúng đối tượng khách hàng thì doanh nghiệp mới thực sự bứt phá với những cách thức trên.

Tăng tỷ lệ chuyển đổi của doanh nghiệp

Tỷ lệ chuyển đổi hay nói dễ hiểu hơn chính là tỷ lệ chốt sale. Nó là phần trăm số người mua hàng trên phần trăm số người có thể mua hàng. Ví dụ, có 10 người đi vào cửa hàng ngày hôm nay và bạn chỉ bán cho 3 người trong số họ, tỷ lệ chuyển đổi của bạn là 3 trên 10, hay 30%. Đây thực sự là một mỏ vàng đối với hầu hết các doanh nghiệp.

Hãy hình dung bạn sẽ cảm thấy hào hứng thế nào khi doanh nghiệp của bạn đạt tỷ lệ chuyển đổi lên tới 60 – 70%? Hãy nhớ rằng, gấp đôi tỷ lệ chuyển đổi là bạn đã gấp đôi doanh thu của mình rồi.

Để tăng tỷ lệ chuyển đổi thì kỹ năng của nhân viên bán hàng là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp có thể tập trung vào các khóa đào tạo, hướng dẫn để cải thiện kỹ năng bán hàng của nhân viên. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đi kèm khi mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy.

Tăng giá trị mỗi lần mua hàng của khách hàng

Giá trị mỗi đơn hàng của khách ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp. Khi giá trị đơn hàng càng cao thì doanh thu của doanh nghiệp càng cao. Đặc biệt hơn, việc giá trị mỗi đơn hàng tăng sẽ giúp nâng cao lợi nhuận tiếp thị, tối ưu chi phí marketing.

Các cách để tăng giá trị đơn hàng có thể kể đến như:

• Tặng thêm sản phẩm đi kèm

• Tạo các gói sản phẩm như combo, package

• Soạn các kịch bản bán thêm (up-sales) cho đội ngũ bán hàng

• Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng bán hàng và bán thêm cho nhân viên.

Tăng số lần mua lặp lại của khách hàng

Một trong những vấn đề được coi là lãng phí nhất của doanh nghiệp chính là không chăm sóc khách hàng cũ. Đặc biệt là những khách hàng mua một lần. Việc biến khách hàng đã từng mua hàng trở thành khách hàng trung thành thực sự là một mỏ vàng cho doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo, tiếp cận một cách tối đa.

tăng số lần mua của khách hàng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu
Việc không chăm sóc khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tăng doanh thu từ nguồn khách cũ.

Cách để tăng số lần mua lặp lại của khách hàng cần bắt đầu từ chính trải nghiệm mua hàng lần đầu tiên của họ. Hãy để họ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất từ lần đầu tiên. Khi họ đã có những ấn tượng tốt và cảm thấy gắn kết, họ chắc chắn sẽ quay lại.

Một số cách thức giúp kích thích hành vi mua thêm của khách hàng mà doanh nghiệp có thể tham khảo:

• Tăng cường tiếp thị lại bằng các hình thức như gọi điện hoặc email marketing

• Xây dựng chính sách khuyến mãi hấp dẫn

• Tổ chức các hoạt động phi thương mại để gắn kết khách hàng

• Thiết lập trải nghiệm WOW cho khách hàng kể từ khi biết đến sản phẩm cho tới khi mua hàng

• Xây dựng cơ chế khách hàng thành viên với nhiều ưu đãi

Tăng số lượng khách cũ giới thiệu khách mới (referral)

Theo một kết quả khảo sát của Nielsen thì khả năng mua hàng sẽ tăng gấp 4 lần khi khách hàng được bạn bè hoặc người thân giới thiệu. Không chỉ vậy, 92% khách hàng hoàn toàn tin tưởng lời giới thiệu của những người quen biết.

Chính vì thế, doanh nghiệp cần tập trung để thúc đẩy việc trao referral của khách hàng. Đây cũng là cách phát triển khách hàng hiệu quả mà ít tốn kém nhất. Hơn nữa việc chốt sale cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Một số kinh nghiệm để doanh nghiệp có thể nhận được sự giới thiệu từ khách hàng:

  • Mạnh dạn đề nghị với khách hàng xin referral.
  • Xây dựng chính sách khi khách hàng giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp.
  • Quy trình chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.
  • Tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng giới thiệu.
  • Khai thác nguồn khách hàng tiềm năng – những người chưa mua hàng nhưng có ấn tượng tốt với doanh nghiệp.
  • Giới thiệu lại khách hàng cho những khách hàng đã mang referral đến cho doanh nghiệp.

Xây dựng mô hình cộng tác viên, đại lý

Việc khai thác tốt mô hình cộng tác viên, đại lý sẽ giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp vô cùng hiệu quả. Để xây dựng tốt hệ thống kênh phân phối thì doanh nghiệp cần chú ý một số điều sau:

  • Hướng dẫn các đại lý cách bán được hàng.
  • Xây dựng chính sách hoa hồng rõ ràng cho từng cấp đại lý, cộng tác viên.
  • Giữ mối quan hệ tốt với đại lý và cộng tác viên.
  • Tổ chức những ngày hội trao giải thưởng, bằng khen hoặc các buổi giao lưu giữa các đại lý, cộng tác viên.
  • Liên tục cập nhật thông tin sản phẩm, dịch vụ tới cộng tác viên, đại lý.
  • Chiến lược tích điểm dành cho cộng tác viên, đại lý mỗi khi có thêm khách hàng.

Phát triển các kênh thương mại điện tử (e-Com)

Nền tảng thương mại điện tử ngày càng phát triển và bùng nổ, đặc biệt là sau khi đại dịch đi qua. Ước tính hiện nay có tới 70% người dùng internet hàng ngày và họ sử dụng tới 6,5 giờ/ngày. Vì thế, việc các doanh nghiệp “lấn sân” sang các kênh thương mại điện tử là cần thiết.

Các doanh nghiệp có thể lưu ý tới một số vấn đề sau khi phát triển các kênh thương mại điện tử:

• Xây dựng trang thương mại điện tử tự chủ

• Liên kết với các sàn thương mại điện tử như shopee, tiki, lazada, sendo, amazon…

• Bán hàng trên các chợ online

• Bán hàng thông qua Tivi

• Bán hàng thông qua các kênh media

Xây dựng hệ thống Bán hàng tự động (Auto Sales)

Hệ thống Bán hàng tự động chính là các công cụ kinh doanh sử dụng các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Doanh nghiệp có thể nhắn tin cho khách hàng, gửi email, SMS một cách tự động. Hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả Marketing, cá nhân hóa việc chăm sóc khách hàng. Đặc biệt là tiết kiệm được nguồn nhân lực tối đa nhưng lại giúp tăng doanh thu.

xây dựng hệ thống bán hàng tự động để tăng doanh thu
Hệ thống bán hàng tự động đang được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng để tăng doanh thu.

Để xây dựng hệ thống bán hàng tự động hiệu quả thì doanh nghiệp có thể xem xét tới các cách sau:

  • Cách 1: Xây dựng website với mô hình rõ ràng. Doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh đúng để tiếp cận và tăng khả năng khách hàng mua sản phẩm. Cách nhanh nhất để doanh nghiệp có nguồn traffic tốt đó là chạy quảng cáo trả phí (Google, Facebook…) hoặc liên kết, hợp tác, Affiliate.
  • Cách 2: Bán hàng qua các nền tảng giáo dục thị trường. Ví dụ như viết bài, sử dụng hình ảnh, làm video, audio… hoặc những video testimonial (cảm nhận của khách hàng) khi khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
  • Cách 3: Sử dụng các “mồi” để thu hút khách hàng tiềm năng như: phần mềm dùng thử, tặng ebook miễn phí, tặng các tài liệu tham khảo, mẫu báo cáo, video đào tạo…
  • Cách 4: Chăm sóc khách hàng thường xuyên để gắn kết với khách hàng hiệu quả. Nếu khách hàng không tương tác lại sau nhiều lần thì bạn có thể xem xét loại bỏ khỏi danh sách.

Cắt giảm chi phí

Việc cắt giảm chi phí để thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc chắt bóp, hà tiện. Một số hoạt động cắt giảm chi phí hiệu quả doanh nghiệp có thể tham khảo:

  • Thương lượng với đơn vị cung cấp nguyên vật liệu để có chi phí tốt hơn.
  • Cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách tái chế vật liệu dư thừa, thanh lý sản phẩm hoặc tận dụng tối đa máy móc sản xuất.
  • Chú ý đến lãi suất của các khoản vay để hạn chế tối đa những khoản tiền phát sinh.
  • Cắt giảm chi phí những hoạt động không hiệu quả. Ví dụ quảng cáo chạy không hiệu quả cần phải cắt ngay và tìm phương pháp khác.

Lời kết

Hy vọng thông qua bài viết, bạn có thể hiểu rõ về doanh thu là gì cũng như các cách tăng doanh thu cho doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Chúc bạn thành công. Và đừng quên chia sẻ bài viết nếu nó hữu ích với bạn và với mọi người nhé!

Link tham khảo