Tại sao phải xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp?

Tại sao phải xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp?

Tại sao phải xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp? Hãy cùng CEO Trần Trí Dũng đi tìm hiểu các câu trả lời có trong bài viết này nhé!

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp được hiểu như “phong cách” hoặc mô hình quản trị trong một tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp sẽ quyết định độ khó trong việc trao đổi và truyền đạt giữa các cấp bậc nhân viên. Nó cũng quyết định cách nhân sự trong công ty xử lý công việc với khách hàng và đối tác.

Nhân viên sẽ làm việc say mê khi văn hoá doanh nghiệp “chung đường”

Văn hoá doanh nghiệp bao gồm nhiều yếu tố như:

  • Môi trường làm việc
  • Sứ mệnh
  • Giá trị và đạo đức doanh nghiệp
  • Những kỳ vọng và những mục tiêu chung.

Tại sao nhà quản trị cần xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp?

Người lao động sẽ tận hưởng công việc hơn. Khi nhu cầu và giá trị quan của họ được doanh nghiệp đáp ứng.

Sẽ thật tệ hại nếu mỗi ngày bạn phải làm việc với những người luôn trễ hẹn. Đặc biệt khi bạn là người vô cùng tôn trọng và đề cao sự đúng giờ. Sẽ thật tuyệt vời nếu đồng nghiệp cũng giống như bạn. Họ đều biết “chia” công, “xẻ” việc, hỗ trợ lẫn nhau.

Từ những cá nhân, doanh nghiệp hình thành nên văn hoá. Khi văn hoá ấy đủ mạnh, nó sẽ tự động “đào thải” những cá nhân không phù hợp.

Trễ hẹn, trễ deadline là “văn hoá” chung của nhân sự tại nhiều doanh nghiệp

Nếu nhà quản trị không có sự sàng lọc về nhân sự và không chủ động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp sẽ tự phát sinh ra những “văn hoá xấu”, truyền từ cá nhân tới cá nhân tới khi trở thành một “căn bệnh mãn tính”. Nói xấu sau lưng, bắt nạt, quấy rối, đổ lỗi, chán việc… đây đều là những “văn hoá xấu” làm đau đầu nhiều nhà quản trị trong bối cảnh hiện tại.

Làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Để có thể đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà văn hóa cho doanh nghiệp, nhà quản trị cần… đào móng nhà trước đã!

Định hình doanh nghiệp của bạn

Hãy đọc kỹ ba câu hỏi dưới đây:

  • Tại sao doanh nghiệp của bạn ra đời?
  • Doanh nghiệp của bạn hướng tới những giá trị nào?
  • Doanh nghiệp của bạn muốn đạt được mục tiêu gì?

Những câu hỏi này chính là nền móng cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của bạn.

Mục tiêu và giá trị là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa doanh nghiệp

CEO của Facebook – Mark Zuckerberg nhận định rằng, ở vị thế nhà quản trị của doanh nghiệp: “Nếu bạn có thể làm đúng được hai điều – một là có đường hướng rõ ràng trong việc bạn muốn làm gì, hai là tập hợp được những con người tuyệt vời để hiện thực hóa đường hướng đó – thì bạn sẽ có thể làm rất tốt”.

Như vậy, chỉ cần bạn xác định rõ lý do tồn tại của doanh nghiệp cũng như những giá trị và mục tiêu nó hướng tới, thì một nửa công việc xây dựng văn hóa đã hoàn thành.

Xác định văn hóa sẵn có của doanh nghiệp – Giữ cái tốt, gạn bỏ cái xấu

Văn hóa xuất phát từ cá nhân, đây là nhận định của Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Facebook.

“Sự lãnh đạo chân chính bắt nguồn từ tính cá nhân, được thể hiện một cách chân thực và đôi khi chẳng mấy hoàn hảo” – Sheryl khẳng định. Bà cũng khuyên rằng các nhà lãnh đạo nên hướng tới tính chân thực đó, thay vì luôn đòi hỏi sự cầu toàn đối với nhân sự và doanh nghiệp.

Văn hóa tốt đẹp được xây dựng dựa trên sự theo đuổi giá trị của cá nhân

Hãy mạnh dạn loại bỏ những cá nhân không phù hợp với những giá trị, triết lý hay mục tiêu mà công ty bạn theo đuổi. Đừng nghĩ rằng bạn đang làm điều xấu! Việc cố gắng giữ lại những nhân sự không phù hợp với công ty mới là xấu cho cả hai bên. Người nhân viên không bao giờ thấy hài lòng, thỏa mãn khi đi làm, doanh nghiệp thì không bao giờ xây dựng được văn hóa bền vững, đó là lợi bất cập hại.

Đầu tư vào thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding)

Hãy hình dung mỗi doanh nghiệp là một cá nhân trong xã hội. “Vật họp theo loài”, bạn thể hiện bản thân là con người như thế nào, thì bạn bè xung quanh bạn sẽ là những con người tương ứng.

Tương tự, doanh nghiệp của bạn có thương hiệu tuyển dụng trên thị trường ra sao, xuất hiện trong lời nói của các ứng viên từng tuyển dụng, các nhân sự đã hoặc đang làm việc tại công ty, các đối tác, khách hàng… ra sao, doanh nghiệp sẽ thu hút được nguồn nhân lực tương ứng như vậy.

Tối ưu quy chế, quy trình tuyển dụng, hội nhập doanh nghiệp

Ấn tượng đầu tiên là quan trọng nhất. Quy trình từ bước tuyển dụng tới hội nhập doanh nghiệp chính là thước đo đầu tiên được người lao động đưa ra để đánh giá doanh nghiệp khi vừa bước chân vào một môi trường mới.

Người lao động sẽ đánh giá doanh nghiệp thông qua quy trình tuyển dụng và hội nhập

Hãy đối xử với nhân viên theo cách bạn mong người khác sẽ đối xử với bạn. Bạn muốn gặp những người chính trực thẳng thắn, đừng tạo ra những quy trình phức tạp, vòng vo. Bạn muốn ngưng tình trạng đổ thừa, “cha chung không ai khóc”, đừng để quy chế, quy trình làm việc không rõ ràng, không biết bước nào do ai phụ trách.

Tìm mọi cách giữ gìn, củng cố, phát huy giá trị cốt lõi của công ty, sau đó đánh giá và điều chỉnh tới khi phù hợp, đó là phương pháp để xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững nhất.

Tham khảo

Trần Trí Dũng
 

Trần Trí Dũng Đây là 3 tính cách mà mọi người thường hay nói về Dũng: Giản dị, Chia sẽ, Vui vẻ Còn bạn thấy Dũng như thế nào? Hãy để lại coment của mình nhé

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments