Nghiên cứu thị trường là gì? Tại sao phải nghiên cứu?

Đăng ngày 12/10/2024 lúc: 14:4531 lượt xem

Nghiên cứu thị trường là gì? Tại sao phải nghiên cứu?

Nghiên cứu thị trường là gì? Tại sao phải nghiên cứu thị trường? CEO Trần Trí Dũng sẽ chia sẻ toàn bộ kiến thức hữu ích có trong bài viết này.

Nghiên cứu thị trường là gì?

Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu từ người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh hoặc cả ngành nghề, lĩnh vực hoạt động để giúp doanh nghiệp:

  • Tìm kiếm, khám phá khách hàng mục tiêu của họ là ai 
  • Hiểu được khách hàng thực sự muốn gì từ thương hiệu
  • Cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ hiệu quả của các nỗ lực tiếp thị doanh nghiệp đang thực hiện
  • Giúp doanh nghiệp khám phá các lĩnh vực tiềm năng để phát triển kinh doanh
  • Giúp doanh nghiệp có thêm căn cứ đưa ra các quyết định quản trị, kinh doanh, tiếp thị…

Nghiên cứu thị trường bao gồm toàn bộ kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp – từ việc tạo nhận thức về thương hiệu đến việc đảm bảo khách hàng có thiện cảm, tin tưởng, thậm chí trung thành với thương hiệu.

nghiên cứu thị trường

Tại sao cần phải nghiên cứu thị trường

Bạn sẽ cần thực hiện nghiên cứu thị trường vì đây thực sự là một công việc quan trọng với doanh nghiệp. Công việc này đòi hỏi doanh nghiệp cần dành thời gian, nguồn lực xứng đáng để đạt được hiệu quả nghiên cứu cao nhất và qua đó nhận những lợi ích đa dạng, lâu dài như:

  • Hiểu rõ khách hàng
  • Tạo ra những cơ hội kinh doanh mới
  • Xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả
  • Tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ
  • Nhận biết và giảm thiểu rủi ro kinh doanh

 

Hiểu rõ khách hàng

Nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn hiểu rõ về chân dung khách hàng của mình. Khách hàng ở đây bao gồm cả khách hàng cũ, khách hàng mới, khách hàng tiềm năng… Thông qua nghiên cứu thị trường, bạn có thể nắm bắt được nhu cầu, chân dung về khách hàng:

  • Họ đang quan tâm điều gì?
  • Tại sao họ lại lựa chọn thương hiệu A mà không phải B?
  • Họ có kỳ vọng gì khác về tính năng sản phẩm, dịch vụ?
  • Họ thường là nam hay nữ, độ tuổi như thế nào?
  • Họ thường sống tại khu vực địa lý như thế nào?…

Nghiên cứu thị trường cũng sẽ giúp cung cấp thông tin cho tất cả các nỗ lực tiếp thị của bạn, giúp bạn tạo nội dung phù hợp với đối tượng mục tiêu của mình và tạo ra các kết quả tích cực.

nghiên cứu thị trường

Tạo ra những cơ hội kinh doanh mới

Nghiên cứu thị trường là một khâu quan trọng của bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào. Hiểu được nhu cầu thị trường và bối cảnh cạnh tranh tổng thể có thể giúp bạn tránh được thất bại trong kinh doanh.

Các doanh nghiệp nên tiến hành nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng và đều đặn. Làm như vậy có thể giúp bạn:

  • Nhắm mục tiêu đúng nhóm người tiêu dùng
  • Định giá sản phẩm và dịch vụ của bạn một cách hợp lý
  • Tạo chiến lược tiếp thị, bán hàng phù hợp
  • Đón đầu những thay đổi của thị trường
  • Điều chỉnh hoạt động công ty để thích ứng khi cần.

Bạn hoàn toàn có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh mới khi bạn:

  • Nghiên cứu thị trường
  • Hiểu thị trường
  • Nắm bắt được xu hướng vận động của thị trường.

Xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Trở lại khái niệm, nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu từ người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh hoặc cả ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Chính thông qua quá trình thu thập, phân tích dữ liệu này, nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thêm căn cứ để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Nghiên cứu thị trường giúp bạn đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và sự kiện khách quan, có căn cứ cụ thể. Một bản nghiên cứu đúng hướng, chuẩn xác có thể giúp loại bỏ các điểm mù và cho phép bạn đặt mục tiêu thực tế cho công ty của mình. David Bitton, Đồng sáng lập và CMO tại DoorLoop, một phần mềm quản lý tài sản cho thuê cho biết: “Các quyết định kinh doanh không nên được đưa ra một cách tự nhiên hoặc dựa trên các giả định”.

  • Bạn hiểu rõ về người tiêu dùng, về khách hàng của mình, bạn sẽ tìm ra được cách đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ hiện tại
  • Bạn hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ tìm được cách ứng phó hiệu quả với những nguy cơ, rủi ro từ sự cạnh tranh trên thị trường
  • Bạn hiểu rõ về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, bạn sẽ tìm được cách nắm bắt cơ hội phát triển thuận theo sự phát triển hoặc thậm chí là dẫn dắt sự phát triển của thị trường.
Nghiên cứu thị trường

Tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ

Laurel Mintz, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Elevate My Brand. Đó là một công ty tiếp thị có trụ sở tại Los Angeles, cho biết: “Những cải tiến mới và công ty mới gia nhập thị trường mỗi ngày. Vì vậy việc thực hiện nghiên cứu thị trường là một phần thiết yếu để duy trì tính cạnh tranh. Điều quan trọng là sử dụng các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp và đầy khát vọng để so sánh với vị trí của bạn, không chỉ để xem bạn có thể cải thiện như thế nào mà còn để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu thị trường”.

Ví dụ: nếu một công ty tiến hành nghiên cứu thị trường và họ nhận thấy giá sản phẩm, dịch vụ của họ thấp hơn đáng kể so với đối thủ cạnh tranh, thì đó có thể là dấu hiệu để doanh nghiệp tăng giá hoặc sử dụng giá thấp trong chiến lược tiếp thị.

6 bước để nghiên cứu thị trường

Một trong những mục đích cốt lõi của nghiên cứu thị trường là để phát triển hoạt động kinh doanh. Do đó, dù bạn nghiên cứu thị trường theo cách nào thì cũng cần xác định rất rõ cơ hội kinh doanh của mình là gì để nghiên cứu đúng hướng. Bạn có thể tham khảo 6 bước để nghiên cứu thị trường dưới đây.

Bước 1: Xác định cơ hội kinh doanh

Bước đầu tiên, bạn cần xác định vấn đề mà bạn đang hướng tới để giải quyết. Đặt câu hỏi cụ thể sẽ giúp bạn xác định chính xác những nhu cầu cấp thiết nhất. Hoặc tiết lộ những cơ hội lớn nhất để đạt được mục tiêu nghiên cứu của bạn. Các câu hỏi bạn có thể đề ra trong giai đoạn ban đầu này bao gồm:

  • Có bao nhiêu người mua gần đây là khách hàng lần đầu? 
  • Làm thế nào để biến khách hàng lần đầu thành khách hàng thường xuyên?
  • Vì sao doanh số công ty thấp hơn quý trước? 
  • Giá sản phẩm, dịch vụ có quá cao hay không?
  • Tại sao khách hàng đặt các mặt hàng vào giỏ hàng của họ nhưng không hoàn tất việc mua hàng?
  • Làm cách nào tối ưu quy trình thanh toán hiệu quả hơn?

Thông qua giải đáp các câu hỏi trên, bạn có thể nhận được khá nhiều thông tin hữu ích để xác định được cơ hội kinh doanh của mình ở đâu.

nghiên cứu thị trường

Bước 2: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu

Tiếp theo, bạn sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu của mình có thể theo 2 phương pháp nghiên cứu:

  • Nghiên cứu sơ cấp: thu thập từ những dữ liệu gốc, những gì doanh nghiệp đã nắm được, khảo sát khách hàng… Mặc dù có thể tốn thời gian và chi phí, nhưng đây có thể xem là một trong những cách tốt nhất để thu thập chính xác câu trả lời cho các câu hỏi của bạn.
  • Nghiên cứu thứ cấp: dựa vào những phân tích của chuyên gia, chính phủ, tình hình chính trị xã hội… Với phương pháp nghiên cứu thứ cấp, chi phí, nguồn lực bạn cần bỏ ra sẽ thấp hơn rất nhiều do dữ liệu thứ cấp thường sẵn có hoặc chi phí thu thập không cao.

Bước 3: Thu thập dữ liệu

Ở bước 3 này, bạn sẽ tiến hành thu thập dữ liệu khách hàng mục tiêu, có thể theo một số phương pháp như:

  • Làm khảo sát khách hàng: Thực hiện một cuộc khảo sát với khách hàng là một phương pháp nghiên cứu cơ bản, hiệu quả, có thể cung cấp phản hồi có giá trị về thực tiễn kinh doanh, chiến thuật tiếp thị và nhu cầu sản phẩm của khách hàng. Nghiên cứu khảo sát khách quan, không thiên vị có thể giúp nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của một nhóm khách hàng cụ thể bạn hướng tới.
  • Bán thử, test thử: Bạn cũng có thể tiến hành bán thử, test thử sản phẩm, dịch vụ của mình để thu nhận phản hồi của khách hàng. Ví dụ như những nhà phát hành game thường có bản close beta để test thử, cho khách hàng trải nghiệm thử trước khi ra mắt game chính thức ở phiên bản open beta.
  • Phỏng vấn trực tiếp: Phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại có thể giúp các công ty đánh giá kỳ vọng của người tiêu dùng đối với một thương hiệu, sản phẩm. Trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp này, những người tham gia có thể được hỏi những câu như: Bạn đã là khách hàng bao lâu rồi? Điều gì khiến bạn yêu thích một sản phẩm, dịch vụ cụ thể? Hoặc tại sao bạn chọn thương hiệu này thay vì đối thủ cạnh tranh?

Bước 4: Đánh giá, phân tích

Sau khi đã thu thập được các dữ liệu từ khách hàng, bạn sẽ tiến hành đánh giá, phân tích, có thể theo một số phương pháp dưới đây:

Phân tích mô tả

Dựa trên những dữ liệu thu thập được, bạn sẽ đưa ra thống kê, số liệu theo dạng biểu đồ, đồ thị. Từ đó, bạn sẽ cung cấp được cho tổ chức một bức tranh toàn cảnh về thị trường bằng cách mô tả.

Phân tích chuẩn đoán

Ở phương pháp này, bạn sẽ tìm hiểu nguyên nhân dựa trên các số liệu. Ví dụ như tại sao có một thời điểm website của bạn ghi nhận lượng truy cập lớn hơn bình thường. Từ quá trình phân tích chuẩn đoán như vậy, bạn sẽ tìm ra được những điểm cần phát huy hay khắc phục trong hoạt động vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân tích dự đoán

Từ dữ liệu thu thập được, bạn sẽ đưa ra những dự đoán trong tương lai. Đó là dự đoán về xu hướng phát triển của thị trường. Ví dụ như dữ liệu từ thị trường lao động cho thấy:

Những tháng cận Tết Âm lịch rất khó tuyển dụng. Do người lao động hiếm khi có nhu cầu nghỉ việc giai đoạn này. Từ đó, bạn có thể đưa ra dự đoán xu hướng thị trường. Tuyển dụng có thể “ấm lên” trở lại vào những tháng sau Tết. Nhất là quãng tháng 2, tháng 3 hàng năm.

Phân tích giải pháp

Ở phương pháp này, bạn sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để đánh giá, phân tích và đưa ra những giải pháp trong tương lai cho doanh nghiệp. Ví dụ như dữ liệu thị trường tuyển dụng cho thấy quãng tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm nhân sự thường có biến động lớn, bạn có thể đưa ra giải pháp giữ chân nhân tài là thực hiện đánh giá công việc cho nhân viên ngay sau nghỉ Tết. Như vậy, nhân viên được đánh giá công việc, có cơ hội tăng lương thưởng và sẽ hạn chế bớt tình trạng biến động nhân sự.

Bước 5: Trình bày kết quả

Khi bạn đã hoàn thành nghiên cứu và thực hiện phân tích dữ liệu. Bạn có thể xây dựng một báo cáo nghiên cứu để trình bày những phát hiện chính của mình.

Các báo cáo nghiên cứu thị trường thường ít nhất chứa các chi tiết chính như: 

  • Hồ sơ, thông tin về khách hàng mục tiêu
  • Thói quen mua của khách hàng mục tiêu 
  • Đối thủ cạnh tranh trên thị trường
  • Giải quyết các câu hỏi mà nghiên cứu của bạn đang tìm cách trả lời

Ngoài ra, các báo cáo thường trình bày những phát hiện từ nghiên cứu ở định dạng tường thuật. Nó kết hợp hình ảnh, như biểu đồ và đồ thị. Cùng với đó là phản hồi, ý kiến của người nghiên cứu. Bạn sẽ không muốn trình bày một chồng các con số khô khan, khó hiểu. Thay vào đó, bạn có thể kể một câu chuyện về những khách hàng thực, cách họ cư xử và mong muốn của họ. 

Sau khi báo cáo được tổng hợp, bạn hãy chia sẻ những kết quả này với tất cả các bên liên quan. Chẳng hạn như: chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, team tiếp thị, kinh doanh… 

Bước 6: Đưa ra chiến lược hành động

Sau khi bạn đã trình bày bản báo cáo nghiên cứu thị trường của mình. Tổ chức có thể tiếp nhận báo cáo để cân nhắc đưa ra chiến lược phát triển mới. Hoặc họ sẽ cải thiện, tối ưu, điều chỉnh chiến lược hiện nay.

Một bản báo cáo nghiên cứu thị trường sẽ thực sự trở nên giá trị. Khi nó được cụ thể hóa thành chiến lược hành động cho tổ chức. Nó đem lại kết quả chuyển biến tích cực.

Tham khảo