Câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử

Đăng ngày 14/10/2024 lúc: 09:1922 lượt xem

Câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử

Các nhà lãnh đạo đã biết câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử chưa? Hãy cùng Trần Dũng bàn luận về câu chuyện này nhé!

Câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử rất hay. Dũng xin được đăng tải toàn bộ câu chuyện này để bạn đọc. Đặc biệt, những nhà quản lý có thể rút ra cho mình những giá trị riêng:

bài học quản trị sau đây

Câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử

Công việc của Kiến

Mỗi ngày Kiến đi làm rất sớm và bắt tay ngay vào làm việc. Kiến làm việc rất giỏi và luôn luôn vui vẻ. Ông chủ của chú, là con Sư Tử, rất ngạc nhiên khi thấy Kiến làm việc mà không cần sự giám sát. Sư Tử chợt nghĩ rằng nếu được giám sát thì chắc chắn Kiến sẽ làm việc có hiệu quả hơn.

Sư Tử bắt đầu thuê Gián

Thế là Sư Tử thuê Gián về làm giám sát. Sau khi được thuê, quyết định đầu tiên của Gián là gắn một cái đồng hồ treo tường để theo dõi việc đi làm đúng giờ. Gián cũng cần một thư ký để thay nó viết ghi chú hay làm báo cáo, và thế là nó thuê một con Nhện – để quản lý báo cáo và nhận các cuộc gọi.

Sư Tử rất hài lòng về những báo cáo của Gián và yêu cầu Gián làm thêm những biểu đồ theo dõi sản lượng và phân tích xu hướng thị trường, để nó có thể trình bày tại cuộc họp Ban quản trị. Vậy là Gián mua một cái laptop mới cùng với một máy in lazer, rồi thuê một con Ruồi làm quản lý bộ phận IT.

Nhắc tới Kiến, lúc trước làm việc rất chăm và thoải mái. Giờ Kiến rất bực mình vì những công việc giấy tờ và những cuộc họp vô bổ. Chính những điều này đã làm mất hết thời gian của nó!

Sư Tử lại thuê thêm Ve Sầu

Trong khi đó, ông chủ Sư Tử đi đến kết luận là cần phải cử một người làm quản lý nguyên cả bộ phận mà Kiến đang làm việc. Chức vụ ông chủ nhỏ này được giao cho một con Ve Sầu. Quyết định đầu tiên của Ve Sầu là mua ngay một cái thảm đẹp và một cái ghế thật êm cho phòng làm việc của nó.

quản lý quản trị

“Ông chủ” Ve Sầu này cũng cần thêm một máy vi tính và một thư ký riêng. Người thư ký đó là thư ký cũ của nó. Văn phòng nơi Kiến làm việc trở thành một nơi buồn bã. Chẳng còn ai cười đùa và mọi người trở nên lo lắng khó chịu.

Thế là Ve Sầu thuyết phục ông chủ Sư Tử. Nó nói về sự cần thiết phải làm một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường làm việc tại đây. Sau khi xem lại các báo cáo tài chính trong văn phòng nơi Kiến làm. Sư Tử phát hiện ra năng suất đã giảm sút hơn trước đây rất nhiều.

Sư Tử lại thuê thêm Cú

Thế là Sư Tử thuê một con Cú, đó là một cố vấn nổi tiếng và có uy tín. Cú tiến hành điều tra và đưa ra các giải pháp cần thiết. Cú bỏ ra 3 tháng để nghiên cứu về văn phòng và viết một báo cáo khổng lồ lên đến vài quyển và đi đến kết luận: “Văn phòng này có quá nhiều nhân viên”.

Hãy đoán xem ông chủ Sư Tử sa thải ai đầu tiên? Và nếu là ông chủ Sư Tử, lựa chọn của bạn là gì?

Con kiến bị sa thải vì nó “thiếu động cơ làm việc và có thái độ bi quan trong công việc”. Kết quả thật bất ngờ phải không!

Vậy bài học rút ra từ câu chuyện kể trên là gì?

Sai lầm có lẽ xuất phát từ thời điểm Sư Tử quyết định thuê thêm giám sát với hy vọng Kiến sẽ làm việc năng suất hơn nữa. Tuy nhiên đáng tiếc Sư Tử đã nhầm.

Là một nhân viên, bất kỳ ai cũng mong muốn có môi trường làm việc thoải mái, tự do. Nhân viên nào cũng muốn được tự chủ nhiều nhất có thể. Không ai muốn mình luôn bị giám sát, thúc ép liên tục một cách thái quá.

Bằng chứng là sau khi các “cấp trên” gồm Gián, Nhện rồi Ve Sầu… lần lượt được bổ nhiệm, sự vui vẻ và thoải mái trong công việc của Kiến trước đây đã biến mất. Thay vào đó là cảm giác lo lắng, khó chịu. Điều này đương nhiên gây ra hậu quả trực tiếp là khiến năng suất lao động của Kiến giảm sút.

Chưa kể, việc bộ máy quản lý ngày một trở nên cồng kềnh, phức tạp. Có tới 8 quản lý mà chỉ có duy nhất mình Kiến trực tiếp sản xuất. Mọi công đoạn đều chậm lại và gián tiếp ảnh hưởng tới năng suất lao động.

Là một nhà quản lý, bạn luôn cần quan tâm tới việc phải đơn giản đến mức tối thiểu bộ máy quản lý. Bài toán đặt ra bộ máy quản lý đơn giản nhưng kết quả làm việc phải đạt được ở mức cao nhất.

Rốt cục, mục tiêu cuối cùng đối với bất kỳ công ty vẫn là doanh thu và lợi nhuận. Không ai khác chính những chú Kiến là nhân tố chủ chốt của vấn đề.

Tổng kết

Kinh nghiệm là cần phải tạo ra môi trường tốt nhất cho những chú Kiến. Hãy giúp chúng cảm thấy thoải mái, vui vẻ từ đó tạo ra năng suất làm việc hiệu quả nhất.

Vậy nếu đã lỡ là nhà lãnh đạo giống Sư Tử kể trên, trong trường hợp này bạn có sa thải Kiến không? Giải pháp cứu công ty thoát khỏi tình trạng này là gì?

Nguồn tham khảo

Câu chuyện về chú nhân viên Kiến và ông chủ Sư Tử - Trần Trí Dũng