Chiến lược marketing là gì? Lợi ích của chiến lược

Đăng ngày 14/10/2024 lúc: 09:2716 lượt xem

Chiến lược marketing là gì? Lợi ích của chiến lược

Chiến lược marketing là gì? Lợi ích của chiến lược marketing ra sao? Trần Trí Dũng xin phép dành bài viết để giải thích cho các nhà lãnh đạo!

Chiến lược marketing hay marketing strategy được xem là “át chủ bài” giúp bất cứ một doanh nghiệp nào cải thiện không chỉ về mặt doanh thu, lợi nhuận mà còn cả hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang “vứt tiền qua cửa sổ” khi xây dựng một chiến lược marketing nửa vời. 

Còn bạn thì sao? Bạn có đang hiểu đúng về chiến lược marketing cũng như các bước xây dựng một chiến lược marketing tuyệt đỉnh? Hãy thử kiểm tra thông qua bài viết dưới đây nhé.

Chiến lược marketing là gì?

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với khái niệm cơ bản chiến lược marketing là gì? Theo Philip Kotler – người được xem là cha đẻ của marketing hiện đại đã định nghĩa. “Chiến lược Marketing là một hệ thống luận điểm logic, hợp lý làm căn cứ chỉ đạo một đơn vị hay một tổ chức tính toán cách giải quyết những nhiệm vụ marketing của mình liên quan đến thị trường mục tiêu, hệ thống marketing mix và mức chi phí cho marketing”.

Nói đơn giản hơn, chiến lược marketing là một kế hoạch tiếp thị. Kế hoạch này gồm các bước rõ ràng giúp doanh nghiệp tiếp cận tới nhiều người dùng. Và rồi biến họ trở thành khách hàng tiềm năng.

Lợi ích khi xây dựng chiến lược marketing

1. Mục tiêu được đưa ra cụ thể

Việc xây dựng một chiến lược marketing sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch rõ ràng với mục tiêu dài hạn, ngắn hạn. Đồng thời có những giải pháp cụ thể giúp đạt được các mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp kỳ vọng.

2. Có định hướng rõ ràng

Marketing strategy giúp doanh nghiệp xây dựng được một lộ trình rõ ràng với từng giai đoạn thực hiện sao cho phù hợp với chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp. Điều này giúp cho doanh nghiệp không đi chệch hướng.

3. Đảm bảo sự phối hợp giữa các đội ngũ

Một chiến lược marketing mang lại một mục tiêu với định hướng rõ ràng nên việc phối hợp giữa các đội ngũ cũng sẽ suôn sẻ hơn. Mỗi cá nhân đều sẽ biết được việc mình cần làm và cần hỗ trợ để công việc của nhóm đạt hiệu quả tốt nhất.

4. Giảm tối đa lãng phí

Nguồn lực tại doanh nghiệp được phân bổ hiệu quả, chi phí tại doanh nghiệp cũng sẽ được hạn chế tối đa. Thậm chí marketing strategy còn giúp doanh nghiệp né tránh được nhiều rủi ro trước khi thực hiện.

5. Định vị thương hiệu

Khi chiến lược marketing đạt hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu vững vàng. Đặc biệt là giúp dễ dàng thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Phân biệt rõ giữa chiến lược marketing và chiến thuật marketing

Trước khi đi vào tìm hiểu các phần tiếp theo, bạn cần lưu ý một điều rằng chiến lược marketing khác hoàn toàn với chiến thuật marketing. Trong một chiến lược sẽ có nhiều chiến thuật được đưa ra.

Chiến thuật marketing là những hành động cụ thể cần thực hiện để chiến lược thành công.  Còn chiến lược marketing là một lộ trình, là cách bạn làm thế nào để đạt được mục tiêu.

Giới thiệu một số chiến lược marketing cơ bản

Chiến lược marketing tổng thể

Chiến lược marketing tổng thể (Holistic Marketing Strategy) theo định nghĩa của businessdictionary.com là một chiến lược marketing được phát triển bằng cách suy nghĩ, đánh giá về tổng thể toàn bộ doanh nghiệp, vị trí của doanh nghiệp trong nền kinh tế-xã hội và trong cuộc sống của khách hàng.

Holistic Marketing Strategy thông thường gồm 4 thành phần chính:

  • Marketing quan hệ với mục tiêu xây dựng các mối quan hệ bền vững.
  • Marketing tích hợp liên quan tới thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền thông tới khách hàng.
  • Marketing nội bộ chính là những hoạt động liên quan tới nhân viên, nhà cung ứng, đối tác của doanh nghiệp.

Marketing xã hội là marketing có trách nhiệm với xã hội. Đây là một phương pháp giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng.

Chiến lược marketing tập trung

Marketing tập trung hay còn được gọi là Centralized marketing strategy. Nó là chiến lược mà doanh nghiệp chỉ dồn sức, tập trung vào một phần thị trường mà họ cho là quan trọng. Hơn hết, họ cho rằng mình có thể chiếm được một vị trí vững chắc tại đó.

Có thể nói, chiến lược marketing tập trung giống như việc doanh nghiệp tập trung vào thị trường ngách, không sợ cạnh tranh về giá. Lý do bởi họ đã tạo dựng cho mình độ uy tín nhất định về một mặt hàng mà không có đơn vị nào có thể ngang hàng. Tuy nhiên, chiến lược này có thể gặp nhiều rủi ro. Vì nếu doanh nghiệp xác định sai thị trường mục tiêu hoặc nhu cầu khách hàng đột ngột thay đổi thì công sức sẽ đổ sông.

Chiến lược marketing 4P

Chiến lược marketing 4P là chiến lược tiếp thị gồm 4 yếu tố cơ bản bắt đầu bằng chữ P, đó là:

  • Product (Sản phẩm) – Sản phẩm hoặc dịch mà doanh nghiệp đang bán ra thị trường là gì?
  • Price (Giá cả) – Sản phẩm hoặc dịch vụ được bán ra với giá bao nhiêu?
  • Place (Địa điểm) – Phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ ở đâu?
  • Promotions (Quảng cáo) – Làm sao để nhiều người tìm hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ?

Sự kết hợp giữa 4 chữ P này còn được gọi là marketing hỗn hợp hay marketing mix. Dù hiện nay đã có chiến lược marketing 5P hay 7P nhưng chiến lược 4P vẫn được xem là một trong những chiến lược “đinh”. Nó quyết định lớn tới mức độ thành công của doanh nghiệp.

7 bước xây dựng chiến lược marketing “hái ra tiền”

Việc xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm mới hay sản phẩm “lão làng” của doanh nghiệp đều rất cần thiết. Vì sao? Chính là để duy trì sự bền vững của doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo các bước xây dựng chiến lược marketing được Dũng chia sẻ sau đây.

Bước 1: Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh cho doanh nghiệp

Nghe có vẻ cao siêu, thần thánh nhưng không hề. Việc bạn xác định rõ ràng tầm nhìn, sứ mệnh cho doanh nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu sẽ giúp doanh nghiệp của bạn luôn đi đúng hướng. Điều này mang lại lợi ích rất nhiều khi bạn khởi động bất kỳ một chiến lược tiếp thị nào. Tầm nhìn và sứ mệnh xuyên suốt sẽ định hướng người dùng một cách rõ ràng. Chỉ cần bạn xuất hiện, họ có thể nhận ra bạn là ai.

Hãy hiểu đơn giản rằng tầm nhìn là mục tiêu mà doanh nghiệp bạn đang hướng tới trong một khoảng thời gian. Đó có thể là 10 năm hoặc xa hơn. Còn sứ mệnh là con đường mà bạn đang đi để chạm tới tầm nhìn đó. Bạn chỉ mất thời gian đầu để xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh. Những chiến lược sau bạn đã có thể lược bớt đi một bước khi xây dựng chiến lược marketing.

Bước 2: Tìm hiểu thị trường

Tìm hiểu thị trường là một trong những bước quan trọng. Hoạt động này quyết định lớn tới sự thành công của bất kỳ một chiến lược tiếp thị nào. Một số phương pháp hay mô hình mà bạn có thể sử dụng để hỗ trợ thực hiện bước 2 hiệu quả đó là SWOT, 5Cs, PEST…

SWOT

Mô hình phân tích SWOT luôn là một trong những giải pháp vững chắc cho bất kỳ một kế hoạch kinh doanh nào. Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi sau để có thể xây dựng SWOT:

  • Strengths (Điểm mạnh): Doanh nghiệp bạn làm tốt nhất điều gì? Điểm khác biệt giữa sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp bạn so với doanh nghiệp khác cùng phân khúc?
  • Weaknesses (Điểm yếu): Doanh nghiệp bạn đang kém nhất ở đâu? Những điểm hạn chế nào ảnh hưởng nhiều tới thành công của doanh nghiệp?
  • Opportunities (Cơ hội): Xu hướng thị trường hiện nay là gì? Doanh nghiệp bạn còn tiềm năng gì? Tiềm năng đó có thể đáp ứng xu hướng thị trường không?
  • Threats (Thách thức): Khó khăn, trở ngại bạn phải đối mặt là gì?

Mô hình 5C

Mô hình 5C là mô hình với 5 yếu tố: Company, Customers, Competitors, Collaborators, Climate. Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi sau cho từng yếu tố để xây dựng nên mô hình 5C hiệu quả.

  • Climate (Môi trường kinh doanh): Các yếu tố kinh tế, chính sách, quy định… nào đang ảnh hưởng tới thị trường mục tiêu của bạn?
  • Company (Công ty): Doanh nghiệp của bạn có văn hóa thương hiệu, tính cách thương hiệu gì? Mục tiêu của doanh nghiệp ra sao?
  • Customers (Khách hàng): Khách hàng của doanh nghiệp là ai? Chân dung khách hàng như thế nào? Xu hướng thị trường ảnh hưởng ra sao?
  • Collaborators (Đối tác): Nhà phân phối, cung ứng, bán lẻ của doanh nghiệp bạn là ai? Làm thế nào để duy trì sự hài hòa, đôi bên cùng có lợi?
  • Competitors (Đối thủ cạnh tranh): Đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bạn là ai? Thị phần của họ trên thị trường ra sao? Điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ là gì?

Bước 3: Nghiên cứu về khách hàng mục tiêu của chiến dịch marketing

Sau khi đã tìm hiểu được rõ thị trường, bạn có thể bắt tay vào việc nghiên cứu khách hàng mục tiêu. Việc hình dung ra khách hàng lý tưởng của chiến dịch marketing sẽ giúp doanh nghiệp bạn chắc chắn hơn trên con đường nhận lại những khoản lợi nhuận từ việc đầu tư.

Sử dụng Responsive Inbound Marketing sẽ giúp bạn đưa ra những câu hỏi liên quan đến khách hàng mục tiêu. Nó cũng bạn phác thảo được các thói quen của người mua hàng. Thông thường nó sẽ bao gồm một số thông tin về:

  • Vị trí
  • Độ tuổi
  • Giới tính
  • Trình độ học vấn
  • Công việc
  • Sở thích
  • Lý do nên mua sản phẩm của bạn

Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng thói quen khách hàng. Bạn cần hiểu rõ được insight khách hàng mục tiêu, chứ không chỉ đơn thuần là nắm được nhân khẩu học của họ. Rất đơn giản, bạn có thể tạo một bảng câu hỏi để phỏng vấn họ. Thậm chí phỏng vấn cả những người không phải là khách hàng của bạn. Khi bạn dành nhiều thời gian để xây dựng thói quen khách hàng thì chiến dịch của bạn càng có tỷ lệ thành công cao.

Bước 4: Đặt mục tiêu SMART

Để biết chiến lược marketing thành công hay không thì bạn cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng. Tốt nhất là chia nhỏ chúng theo từng giai đoạn với những cột mốc nhất định.

Một mục tiêu đảm bảo yếu tố Smart sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Mô hình SMART sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi đặt ra những mục tiêu hiệu quả. Một mục tiêu được cho là SMART cần thỏa mãn các yếu tố:

  • S – Specific (Cụ thể): Bạn cần xác định mục tiêu rõ ràng, diễn tả nó một cách chi tiết. Nếu trả lời được các câu hỏi Who? What? When? Why? thì càng tốt.
  • M – Measurable (Có thể đo lường): Mục tiêu bạn đặt ra cần phải được đo lường bằng những con số và thông tin cụ thể để đánh giá được kết quả.
  • A – Actionable (Tính khả thi): Mục tiêu bạn đặt ra cần phải khả thi với nội lực của doanh nghiệp.
  • R – Realistic (Tính thực tế): Mục tiêu bạn đặt ra cần phù hợp với mục tiêu chung của doanh nghiệp và có thể đạt được.
  • T – Time-bound (giới hạn thời gian): Chính là thời gian mà mục tiêu được giới hạn hoàn thành.

Bước 5: Xác định ngân sách có thể sử dụng cho chiến lược

Sau khi có được một bản mục tiêu SMART cụ thể cho từng giai đoạn, giờ là lúc bạn phân bổ ngân sách. Nếu ngân sách của bạn đủ cho tất cả chiến lược nhỏ thì điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu ngân sách của ban không dư dả thì bạn cũng cần có sự cân đối cho phù hợp. Thậm chí bạn sẽ phải lược bỏ đi một số hoạt động đã lên kế hoạch.

Bước 6: Lựa chọn kênh marketing

Để triển khai chiến lược marketing, bạn có nhiều lựa chọn về kênh marketing để chiến lược đạt kết quả tốt nhất. Có thể bạn sẽ mất thời gian để tìm ra được kênh marketing phù hợp nhất. Song đừng quá căng thẳng bởi đó là việc nên làm thay vì chỉ nỗ lực đầu tư vào một kênh mà bạn cho là “sẽ phù hợp”. Một số kênh marketing bạn có thể tham khảo như:

Các kênh marketing tự xây dựng

Là những kênh marketing bạn kiểm soát được hoàn toàn như website, blog hay email. Khi bạn xây dựng được ít nhất 2 kênh marketing tự xây dựng thì chiến lược marketing của bạn cũng sẽ trôi chảy hơn phần nào.

Các kênh marketing lan truyền

Là những bài đăng của website khác, báo chí hoặc khả năng SEO của bạn. Nói đơn giản là tất cả những gì giúp bạn marketing truyền miệng. Hiện nay, các kênh marketing lan truyền được sử dụng khá nhiều thông qua các influencer – người có tầm ảnh hưởng. Nó mang lại hiệu quả tiếp cận khách hàng tiềm năng tương đối cao cho các nhãn hàng.

Các kênh marketing trả phí

Đó chính là các quảng cáo trên facebook, twitter, instagram hay google adword… Hoặc quảng trên tivi, đài phát thanh… Với các kênh marketing trả phí thì cách đạt hiệu quả tốt nhất đó là bạn cần tự đặt ra ngân sách và thử với các kênh khác nhau. Sau khoảng thời gian thử nghiệm nhất định thì kiểm tra kết quả để lựa chọn ra kênh có hiệu quả tốt nhất.

Bước 7: Kiểm tra và đo lường

Bất kỳ một chiến lược marketing nào cũng cần kiểm tra và đo lường kết quả. Hoạt động này giúp bạn nhanh chóng cải tiến, chỉnh sửa những lỗi sai, phát huy điểm mạnh đang có.

Những biến động trong quá trình thực hiện, phản hồi từ thị trường hoặc liên quan tới nguồn lực của doanh nghiệp, hoạt động của đối thủ cạnh tranh luôn đòi hỏi bạn cần có sự hiệu chỉnh phù hợp. Việc kiểm tra và đo lường của bạn có thể chia phù hợp với từng giai đoạn của mục tiêu đã lập ra. Ví dụ như theo tuần, theo tháng hoặc theo quý.

Gợi ý 4 chiến lược marketing cho sản phẩm mới

Nhiều người cho rằng việc xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm mới toanh trên thị trường rất khó và tốn kém. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tự biết nhìn nhận, đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ sắp ra mắt của mình một cách rõ ràng thì hoàn toàn có thể “vượt mặt” được những “đàn anh” đi trước.

Sau đây sẽ là một số chiến lược marketing cho sản phẩm mới mà bạn nên thử nghiệm và đo lường.

1. Lợi thế về giá

Lợi thế về giá là một chiến lược quá quen thuộc trên thị trường. Muốn giành lấy thị phần thì giá bán của bạn thiết lập phải thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh. Khi cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ có cùng công dụng mà giá của bạn thấp hơn thì việc giành thị phần trong thời gian đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp của bạn đủ mạnh để đương đầu lại việc cạnh tranh về giá của đối thủ. Bởi họ cũng có thể giảm giá để “đè” lại doanh nghiệp của bạn được. Thậm chí, khi họ giảm giá, lượng khách hàng đổ về họ còn nhiều hơn. Lý do là bởi họ là “lính lâu năm”.

2. Tăng giá trị của sản phẩm

Nếu không muốn hên xui với chiến lược cạnh tranh về giá thì hãy dừng lại. Dũng muốn gợi ý cho bạn một chiến lược mới. Đó là chiến lược tăng giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngoài công dụng chính, hãy đưa ra một tiện ích kèm theo để khách hàng nhận ra họ mua 1 mà nhận được 2, 3.

3. Chiến dịch khuyến mãi “không giống ai”

Đây là một chiến lược vô cùng thông minh. Doanh nghiệp sẽ không trực tiếp hạ giá sản phẩm nhưng tổng chi phí của khách hàng có thể giảm. Các chiến dịch khuyến mãi được áp dụng phổ biến hiện nay như:

  • Mua cũ đổi mới.
  • Tặng phiếu giảm giá trong lần mua hàng kế tiếp.
  • Tặng miễn phí hoặc giảm giá sản phẩm/dịch vụ kèm theo.

Thậm chí, trước đây, một thương hiệu đồ ăn nhanh đã tặng suất ăn miễn phí với những người đi xe đạp tới nhà hàng. Rất đơn giản nhưng thu hút cả ngàn người tới xếp hàng để đợi nhận quà tặng.

4. Mạng lưới phân phối sản phẩm dày đặc

Một sản phẩm mới muốn tiếp cận người dùng, không cách nào hiệu quả bằng việc tiếp cận thị trường nhiều nhất có thể. Hệ thống phân phối sản phẩm sẽ quyết định sản phẩm có thể xâm nhập vào thị trường hay không. Các kênh phân phối sản phẩm phổ biến hiện nay tiêu biểu là:

  • Các kênh phân phối truyền thống: quầy bán hàng lưu động, hàng tạp hóa, chợ…
  • Các kênh phân phối hiện đại: cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại…
  • Các kênh phân phối online: chính là các sàn thương mại điện tử như shopee, tiki, lazada… Hoặc mạng xã hội như facebook, zalo, youtube…

Hãy sẵn sàng cho một chiến lược marketing tuyệt đỉnh!

Một chiến lược marketing thành công không chỉ dựa vào khả năng sáng tạo, đổi mới, yếu tố bất ngờ, mới lạ mà còn ở sự cam kết đến từ chính thương hiệu.

Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì nguồn ngân sách cân đối để chiến dịch được thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra. Đội ngũ nhân sự cũng đóng góp một phần rất lớn tới kết quả của một chiến lược marketing. Một đội ngũ có đam mê, biết thích ứng và đổi mới sẽ phù hợp hơn cả.

Lời kết

Chiến lược marketing luôn đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của một doanh nghiệp, một thương hiệu. Kết thúc mỗi một giai đoạn của chiến lược, hãy thống kê, đo lường và đánh giá để đưa ra những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Chúc các bạn thành công!

Link tham khảo