Lợi nhuận là gì? Kết cấu lợi nhuận của doanh nghiệp
Lợi nhuận là gì? Kết cấu lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào? Dũng sẽ chia sẻ mọi kinh nghiệm trong bài viết này. Độc giả cùng đọc nhé!
Bất kỳ một doanh nghiệp hay một tổ chức kinh doanh nào muốn tồn tại thì đều cần phải có lợi nhuận. Vậy thì lợi nhuận là gì và những yếu tố nào liên quan đến sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp? Hãy cùng tìm câu trả lời ngay trong bài chia sẻ sau.
Lợi nhuận là gì?
Lợi nhuận chính là khoản chênh lệch giữa doanh thu và phần chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra trong toàn bộ quá trình sản xuất. Nói đơn giản hơn, lợi nhuận là kết quả tài chính cuối cùng của doanh nghiệp.
Lợi nhuận cũng trở thành cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Có thể là trong từng tháng, từng quý hoặc từng năm.
Tìm hiểu kết cấu lợi nhuận của doanh nghiệp
Trong môi trường kinh doanh ngày càng phát triển như hiện nay, để có thể kiếm được lợi nhuận cao nhất thì doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn thu từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này dẫn đến việc lợi nhuận cũng sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, ta có thể phân lợi nhuận thành 2 loại:
Lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh
Khoản lợi nhuận này là khoản chênh lệch thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó sẽ gồm giá thành của tất cả các sản phẩm dịch vụ đã được tiêu thụ.
Ngoài ra, khoản lợi nhuận này còn bao gồm lợi nhuận của hoạt động tài chính. Nghĩa là phần chênh lệch giữa thu nhập tài chính với chi phí hoạt động tài chính, cùng thuế gián thu mà doanh nghiệp phải nộp.
Lợi nhuận thu được từ các hoạt động khác của doanh nghiệp
Đây là khoản chênh lệch thu được từ các hoạt động kinh tế khác của doanh nghiệp trừ đi chi phí của các hoạt động này với thuế gián thu doanh nghiệp phải nộp theo quy định.
Vai trò của lợi nhuận
Lợi nhuận đóng vai trò vô cùng to lớn không chỉ với hoạt động của doanh nghiệp mà còn đối với người lao động. Lớn hơn nữa, lợi nhuận ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và xã hội.
Vai trò của lợi nhuận với doanh nghiệp
Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi sản xuất kinh doanh cũng đều quan tâm tới lợi nhuận. Lợi nhuận phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Nếu không có lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ phá sản.
Lợi nhuận là yếu tố tác động thẳng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nó không chỉ ảnh hưởng tới tình hình tài chính mà còn là điều kiện đảm bảo khả năng tài chính của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có lợi nhuận cao thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó sẽ cao. Và ngược lại, khi doanh nghiệp có lợi nhuận thấp thì khả năng thanh toán sẽ giảm sút.
Ngoài ra, lợi nhuận còn đảm bảo tái sản xuất doanh nghiệp. Lợi nhuận sẽ là cơ sở để doanh nghiệp bổ sung vào nguồn vốn tái đầu tư hoặc vay vốn từ bên ngoài dễ hơn. Doanh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ mới, đổi trang thiết bị hoặc mở rộng quy mô doanh nghiệp.
Vai trò của lợi nhuận đối với đời sống người lao động
Khi lợi nhuận của doanh nghiệp cao thì người lao động có cơ hội để cải thiện đời sống của mình. Không chỉ là được tăng lương, tăng thưởng mà người lao động có thể được đào tạo để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm của mình.
Từ đó, niềm tin của người lao động đối với doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao. Người lao động sẽ làm việc với tinh thần vui vẻ, hưng phấn và tạo được kết quả tốt hơn cho doanh nghiệp. Nó sẽ trở thành một vòng tròn lặp lại vô cùng hiệu quả.
Vai trò của lợi nhuận đối với nền kinh tế nói chung
Lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp đều tăng kéo theo nền kinh tế cũng phát triển, ngày một lớn mạnh. Dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp thì nhà nước sẽ thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thêm ngân sách quốc gia. Việc làm nãy cũng là một trong những công cụ điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô. Khi nguồn ngân sách tăng thì nhà nước có thể sử dụng nguồn kinh phí này để củng cố quốc phòng, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.
Công thức tính lợi nhuận của doanh nghiệp
Lợi nhuận = Tổng doanh thu của doanh nghiệp – Tổng chi phí
Tổng doanh thu chính là tổng số tiền doanh nghiệp thu được từ hoạt động bán sản phẩm/dịch vụ.
Tổng chi phí là tổng số tiền doanh nghiệp phải chi trả để bán sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ như tiền nhập hàng, tiền thuê nhân viên, tiền thuê mặt bằng, chi phí marketing…
Phân biệt lợi nhuận với lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận ròng
Lợi nhuận gộp (Gross Profit) là gì?
Lợi nhuận gộp là khoản tiền doanh nghiệp thu về sau khi phần doanh thu đã trừ đi các chi phí sản xuất và bán sản phẩm/dịch vụ. Chi phí này còn được gọi là giá vốn hàng bán – COGS.
Công thức tính lợi nhuận gộp là:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu bán hàng của doanh nghiệp – COGS (giá vốn hàng bán)
Lợi nhuận gộp chính là con số giúp so sánh độ thành công và tiềm năng của các doanh nghiệp kinh doanh trên cùng một lĩnh vực. Chỉ số lợi nhuận gộp sẽ cho doanh nghiệp biết mỗi đồng doanh thu thu về sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Lợi nhuận trước thuế
Lợi nhuận trước thuế bao gồm nhiều chi phí hơn khi tính lợi nhuận gộp. Công thức tính lợi nhuận trước thuế là:
Lợi nhuận trước thuế = Tổng doanh thu của doanh nghiệp – Chi phí cố định – Chi phí phát sinh
Trong đó:
Tổng doanh thu của doanh nghiệp là toàn bộ khoản tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chi phí cố định gồm giá vốn doanh nghiệp bỏ ra, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, thuê nhân viên, thuê địa điểm và một số chi phí các có tính chất cố định.
Chi phí phát sinh là những chi phí không nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.
Lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng thì lại bao gồm nhiều chi phí hơn khi tính lợi nhuận trước thuế. Nó sẽ bao gồm cả các phần thuế phí mà doanh nghiệp phải chi trả theo luật quy định.
Công thức tính lợi nhuận ròng:
Công thức 1: Tổng doanh thu – (10% VAT + 30% chi phí hoạt động) – 20% thuế TNDN
Công thức 2: Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận trước thuế – Thuế
7 yếu tố tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp
Việc xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng, tác động tới lợi nhuận sẽ giúp doanh nghiệp có thể đánh giá cũng như đưa ra các giải pháp gia tăng lợi nhuận hiệu quả hơn.
1. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp
Đây là một trong những nhân tố cốt lõi ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình hình kinh doanh nhiều cạnh tranh hiện nay, nguồn nhân lực dường như là điểm cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Khi sở hữu đội ngũ nhân sự có trình độ cao, khả năng thay đổi, thích ứng tốt thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc nâng cao lợi nhuận. Không chỉ vậy, đội ngũ nhân sự giỏi còn có thể đưa ra nhiều sáng kiến hay, ý tưởng mới mẻ để cải thiện sản phẩm, nâng cao hiệu suất, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
2. Năng lực quản lý của doanh nghiệp
Đội ngũ quản lý của doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng tới lợi nhuận. Nhà quản lý sẽ đóng vai trò tiên phong, xác định phương hướng cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Một nhà quản lý giỏi và mạnh mẽ cần có kỹ năng lãnh đạo tốt. Kỹ năng lãnh đạo này không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu nhưng cần có sự cải thiện dần theo thời gian. Người lãnh đạo cần giỏi hơn mỗi ngày để phát triển cùng đội ngũ.
3. Chất lượng và giá thành của sản phẩm
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Để tăng lợi nhuận thì doanh nghiệp có thể xem xét việc tăng chất lượng sản phẩm hoặc giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng rất nhiều tới quy trình vận hành cũng như sản xuất. Vì thế, nó cần có sự bàn bạc, thống nhất và có kế hoạch cụ thể.
4. Đối thủ cạnh tranh
Thị trường ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau ngày càng nhiều. Khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn sản phẩm/dịch vụ mình cần hơn. Điều này làm giảm đi thị phần khách hàng của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận. Vì thế, mỗi doanh nghiệp đều cần cải thiện chất lượng và dịch vụ.
5. Nhà cung ứng yếu tố đầu vào
Nguồn nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng tới giá của sản phẩm. Vì thế, hiển nhiên tìm được nhà cung ứng chất lượng, giá thành hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp khi thị trường luôn muốn giá bán của mình rẻ nhất.
6. Sự tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật
Sở hữu công nghệ hiện đại, tiên tiến sẽ giúp hiệu suất của doanh nghiệp nâng cao. Chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn, chi phí sản xuất sản phẩm được tối ưu. Doanh thu của doanh nghiệp và lợi nhuận kinh doanh từ đó cũng sẽ tăng theo.
7. Chính sách của Nhà nước
Các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước cũng ảnh hưởng tới việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi Nhà nước có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thì hoạt động sản xuất sẽ thuận lợi hơn.
Gợi ý 5 cách giúp gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp theo cấp số nhân
Tại hệ thống ActionCOACH, việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp được áp dụng dựa trên công thức 5 Ways. Công thức 5 Ways tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt:
- Số lượng khách hàng tiềm năng
- Tỷ lệ chuyển đổi
- Số lượng giao dịch
- Doanh thu trung bình trên mỗi lần bán hàng
- Tỷ suất lợi nhuận
Lợi nhuận = SLKHTN x Tỷ lệ chuyển đổi x Số lượng giao dịch x Doanh thu TBTMLBH x Tỷ suất lợi nhuận
Chính vì thế, để tăng lợi nhuận thì chúng ta chỉ cần tăng 1 trong 5 yếu tố nói trên.
Tăng số lượng khách hàng tiềm năng
Khách hàng tiềm năng chính là những người có nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Họ có thể sẵn sàng chi trả tiền để giải quyết nhu cầu của mình. Hoặc họ chưa có nhu cầu nhưng khi bạn “đào tạo” để họ phát sinh nhu cầu thì họ cũng sẽ sẵn sàng chi trả.
Một số cách để tăng số lượng khách hàng tiềm năng hiệu quả đó là:
- Tham gia các cộng đồng kết nối doanh nghiệp
- Gửi email marketing
- Chia sẻ bài viết trên website, blog, các kênh xã hội…
- Khách hàng giới thiệu khách hàng
- Chăm sóc lại khách hàng cũ nhưng chưa chuyển đổi được
Tăng tỷ lệ chuyển đổi
Tỷ lệ chuyển đổi chính là tỷ lệ số lượng khách hàng ra quyết định mua hàng trên số lượng khách hàng tiềm năng. Điều này vô cùng quan trọng bởi nếu chỉ là khách hàng tiềm năng, không đưa ra quyết định mua bán thì doanh nghiệp sẽ không có doanh thu và cũng không có lợi nhuận.
Tỷ lệ chuyển đổi càng cao thì doanh số của doanh nghiệp sẽ càng cao. Hãy thử nghĩ tỷ lệ chuyển đổi từ 10 thành 3 khách hàng – khoảng 30% thay đổi thành 10 khách hàng tiềm năng được 5 khách hàng – tỷ lệ khoảng 50% thì bạn đã thấy sự hứng thú chưa?
Một số cách để tăng tỷ lệ chuyển đổi đó là:
- Cải thiện quy trình bán hàng
- Cải thiện chất lượng của sản phẩm
- Thực hiện các chiến lược về giá
- Các chương trình khuyến mãi, ưu đãi
- Thử nghiệm trên các kênh bán hàng điện tử
- Thay đổi content marketing thật ấn tượng
- Thực hiện các khảo sát với khách hàng
Tăng số lượng giao dịch
Số lần giao dịch chính là số lần khách hàng mua mới sản phẩm/dịch vụ hoặc mua lặp lại theo từng chu kỳ mua hàng. Số lần giao dịch của khách hàng càng tăng thì doanh số của doanh nghiệp cũng càng tăng.
Một số cách để cải thiện số lần giao dịch:
- Hứa ít, làm nhiều
- Cải thiện chất lượng, dịch vụ
- Chăm sóc khách hàng, giữ liên lạc với họ thường xuyên
- Tăng danh mục sản phẩm
- Gửi thư quảng cáo sản phẩm
- Làm thẻ thành viên cho khách hàng
Tăng doanh thu TB trên mỗi lần bán hàng
Đây là một trong số ít cách thức mà các doanh nghiệp chưa tính tới. Một người có thể chi trả 10 triệu đồng để mua sản phẩm/dịch vụ. Nhưng có người chỉ chi trả 100.000 đồng. Hãy tính tổng doanh thu và chia cho số lần bán hàng. Chỉ tìm cách tăng vài chục nghìn trên mỗi giao dịch có thể là tất cả những gì bạn cần để đẩy mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một số cách để tăng doanh thu trung bình trên mỗi lần bán hàng đó là:
- Bán gia tăng sản phẩm
- Cho phép khách hàng trả góp theo kỳ hạn
- Hỗ trợ tài chính cho khách hàng dễ dàng
- Trưng bày sản phẩm trong cửa hàng
- Thiết kế các gói ưu đãi
- Xây dựng chính sách ưu đãi cho khách hàng khi mua sỉ
- Tặng quà khi mua hóa đơn với giá trị XX
Tăng tỷ suất lợi nhuận
Tỷ suất lợi nhuận chính là tỉ số giữa khoản lợi nhuận thu về so với số vốn bỏ ra, Tỷ suất lợi nhuận càng cao thì đồng nghĩa với việc kinh doanh của doanh nghiệp càng có lãi.
Một số cách để doanh nghiệp tăng tỷ suất lợi nhuận đó là:
- Đào tạo đội ngũ bán hàng liên tục
- Quản lý hiệu suất làm việc của đội ngũ
- Chỉ bán những sản phẩm bán chạy
- Đầu tư vào công nghệ
- Chỉ mua những thứ cần thiết
- Xin tài trợ hoặc vay mượn
- Ngưng các chiến dịch quảng cáo không mang lại hiệu quả
Một số câu thắc mắc liên quan tới lợi nhuận của doanh nghiệp
Hạn chế của lợi nhuận là gì?
Lợi nhuận rất quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng giống như khi ra biển, bạn không chỉ cần xem xét thời tiết. Nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí cũng là điều bạn cần quan tâm. Muốn biết tình hình làm ăn của một doanh nghiệp, bạn không chỉ nên quan tâm đến lợi nhuận. Lợi nhuận không cho thấy các khoản nợ của doanh nghiệp. Hơn nữa, có lợi nhuận cũng chưa đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tạo ra tiền. Bạn cần phải kiểm tra các báo cáo lưu chuyển tiền tệ nữa.
Lợi nhuận của doanh nghiệp có thể âm không?
Câu trả lời là có. Lấy ví dụ một doanh nghiệp mất tiền và doanh thu của họ không bù đắp được chi phí hoạt động. Lúc này, lợi nhuận doanh nghiệp âm, nghĩa là doanh nghiệp không tạo ra lãi.
Tuy nhiên, việc lợi nhuận âm không hẳn là một điều tồi tệ. Một số doanh nghiệp lợi nhuận âm nhưng họ vẫn tiếp tục dùng thu nhập để xây dựng tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh trong tương lai.
Lời kết
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ Lợi nhuận là gì cũng như những vấn đề xoay quanh lợi nhuận. Đặc biệt là cách để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu bài viết hữu ích hãy chia sẻ tới người khác nhé!