Quản trị doanh nghiệp là gì? Có khác quản trị công ty không?
Quản trị doanh nghiệp là gì? Có khác quản trị công ty không? Câu trả lời nằm ở trong bài viết này. Hãy cùng Trần Dũng đọc và tìm hiểu nhé!
1. Quản trị doanh nghiệp là gì?
Sau khi “cày” gần chục định nghĩa từ Tây sang Ta. Thì Dũng mạn phép sao chép định nghĩa của OECD. (Organization for Economic Cooperation and Development là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)
Nếu như bạn đã tìm hiểu nhiều về Quản trị công ty. Thì hẳn sẽ biết OECD nổi tiếng với Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty. Nó đã trở thành chuẩn mực quốc tế. Nó đẩy mạnh tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp.
Nói nhiều lại lạc đề, chúng ta cùng quay về định nghĩa nhé:
“Quản trị công ty là thủ tục và quy trình mà theo đó một tổ chức được điều hành và kiểm soát. Cơ cấu quản trị công ty quy định rõ việc phân chia quyền lợi và trách nhiệm giữa các đối tượng tham gia khác nhau trong tổ chức – như hội đồng quản trị, ban điều hành, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác – và đặt ra các nguyên tắc và thủ tục cho việc ra quyết định.”
2. Phân biệt rõ ràng giữa quản trị doanh nghiệp và quản trị công ty
Có một sai lầm thường gặp khi chúng ta mơ hồ giới hạn và khái niệm giữa quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh.
Nói một cách đơn giản,
Quản trị kinh doanh là:
-
- Tối đa hóa hoạt động điều hành để đạt mục tiêu kinh doanh
-
- Thực hiện bởi các nhà quản lý như Tổng giám đốc hay CEO
-
- Không vi phạm các chính sách quản trị công ty
Trong khi đó, Quản trị doanh nghiệp hay còn gọi là quản trị công ty là:
-
- Quá trình kiểm soát, đảm bảo thực thi quản trị kinh doanh
-
- Không can thiệp quá sâu vào hoạt động điều hành
-
- Đảm bảo lợi ích, cũng như định hướng, điều hành các bên liên quan như: Cổ đông, ban điều hành, người quản lý, khách hàng, chính phủ,…
=> Tựu chung là minh bạch, công khai sao cho các nhà đầu tư cảm thấy tiềm năng để đầu tư vốn, tài sản cho công ty khai thác sinh lời
3. Thời điểm tập trung vào quản trị kinh doanh
Vậy đâu là giai đoạn đúng? Thời điểm cần tập trung?
Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ có cần thiết?
Tất nhiên là cần chứ!
Như bài trước Dũng đã nói. Chỉ cần bạn làm chủ doanh nghiệp. Dù lớn hay nhỏ. Bạn đều phải nắm rõ và triển khai hai hoạt động quản trị trên. Có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững được.
Ngay từ đầu, các Nguyên tắc quản trị công ty chỉ áp dụng đối với công ty niêm yết.
Cụ thể, Sarbanes-Oxley (Sarbanes-Oxley Act) là Đạo luật liên bang ban hành năm 2002.Nó giới thiệu các cải cách quan trọng trong quản trị và báo cáo tài chính.
Sau đó, vì thấy được lợi ích vượt trội của các nguyên tắc trên,
Nên các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhà nước và cả các tổ chức phi lợi nhuận,… cũng chịu áp lực phải ứng dụng với một số điều khoản bổ sung sau này,
Từ các đối tác làm ăn, người cho vay, nhà đầu tư, nhà cung cấp, khách hàng,…
Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải sắp xếp sự ưu tiên và tập trung nguồn lực,
Như một đứa trẻ còn chưa biết nói thì không cần vội vã dạy bé phản biện hay thuyết trình.
Tương tự, khi chủ doanh nghiệp tự bỏ vốn kinh doanh, hay “Công ty trách nhiệm hữu hạn Một Mình Tôi”. Họ tạm thời chưa cần thu hút vốn và các nhà đầu tư. Thì có thể trước tiên tập trung ưu tiên vào điều hành quản trị kinh doanh để tăng sức đề kháng từ nội bộ.
Hãy đợi đến khi doanh nghiệp:
-
- Phát triển lớn lên, mở rộng
-
- Trở thành công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết
-
- Có sự gia nhập, thành lập của Ban giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát,…
-
- Muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn và các nhà đầu tư
4. Thực trạng quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam
Gần đây, thị trường gặp nhiều biến động khôn lường, trong đó sự hỗn loạn, mâu thuẫn nội bộ kéo dài của nhiều công ty. Thậm chí các “ông lớn” cũng không thể may mắn thoát khỏi. Nếu không muốn nói là “lớn thuyền, lớn sóng”.
Nguyên nhân thì không bao giờ chỉ có một, nhưng quản trị yếu kém là một thực trạng đáng báo động. Một thực trạng không phải ngày một ngày hai mà ít được xem trọng ở Việt Nam.
Nếu chúng ta không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của những nhà đầu tư muốn tham gia vào thì ai dám bước vào sân chơi cùng chúng ta?
Điểm nhanh lại những lợi ích khi quản trị doanh nghiệp tốt tại Việt Nam nào:
-
- Nâng cao hiệu quả cũng như năng lực cạnh tranh trên thương trường
-
- Xây dựng hình ảnh, thương hiệu uy tín
-
- Tăng cao giá trị công ty trên thị trường
-
- Thuận lợi Thu hút vốn và nhà đầu tư
Tiếp tục điểm nhanh những hậu quả nhé:
-
- Vi phạm về sổ sách, các scandal phát sinh từ việc quản lý điều hành
-
- Hoạt động phi pháp, vi phạm chính sách, pháp luật
-
- Xung đột lợi ích giữa các bên liên quan
-
- Cổ đông lớn có khả năng chi phối toàn bộ hoạt động của công ty dẫn đến khó quản trị rủi ro doanh nghiệp, nguy cơ sụp đổ
-
- Cổ đông nhỏ bị chèn ép, lạm dụng
Mức lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp quản trị tốt cao hơn mức lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp quản trị kém hơn.
(Theo Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết năm 2019, 2020)
Quay trở lại với thực trạng, để có một cái nhìn khách quan, chúng ta phải xem xét trên cả khuôn khổ pháp lý.
Trong 10 năm trở lại đây, khuôn khổ pháp luật về quản trị công ty ở Việt Nam đã hoàn thiện, có những bước tiến lớn. Nó hướng tới thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt.
Ví dụ như, Tháng 8 năm 2019, Bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nam theo thông lệ tốt nhất đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và IFC biên soạn và công bố.
Bên cạnh đó, Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp cũng được bổ sung, hoàn thiện về quản trị công ty.
Ví dụ như, Luật Chứng khoán năm 2019 đã được bổ sung thêm các quy định về quản trị công ty đại chúng và công ty niêm yết.
Bên cạnh đó, hàng loạt những thay đổi tích cực khác cũng đánh dấu sự thay đổi về tư duy và nhận thức của doanh nhân Việt:
-
- Thực hành bảo vệ quyền cổ đông
-
- Công bố đúng hạn theo yêu cầu và làm giàu nội dung quản trị (Báo cáo thường niên tiếng Việt, báo cáo tài chính quý và bán niên,…) trên website
-
- Báo cáo vai trò đối với các bên liên quan
-
- Thay đổi theo nguyên tắc về thành phần và cấu trúc Hội đồng quản trị
Việt Nam đang cải tiến từng ngày.
Nhưng trên đường đua không chỉ có chúng ta đang tiến lên.
Tốc độ và thực tế quản trị công ty ở các nước trong khu vực nói riêng và cả thế giới nói chung hầu hết đều cao hơn Việt Nam.
Qua các năm, Việt Nam chúng ta vẫn chưa bứt phá được thứ hạng, vẫn là “em út” trong số 6 nước tham gia ACGS gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tới đây, Dũng muốn giải thích một chút.
Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) là tiêu chuẩn của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN về quản trị công ty tốt đối với các công ty niêm yết trong khu vực ASEAN.
ACGS là công cụ đánh giá và nâng cao tiêu chuẩn quản trị công ty, xây dựng một thị trường vốn hội nhập, thúc đẩy các doanh nghiệp trở thành những thương hiệu, tài sản đầu tư có giá trị.
5. Nguyên nhân quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam
Việt Nam chưa bứt phá được thứ hạng mức độ quản trị công ty do đâu?
Một trong các yếu tố quan trọng để cải thiện quản trị công ty là công bố thông tin về các hoạt động quan trọng của doanh nghiệp kịp thời và minh bạch.
Như vậy, công ty đã tôn trọng, tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư và các bên liên quan bằng cách xây dựng được hình ảnh nhận diện tốt hơn.
Tuy nhiên, đó lại là khuyết điểm của quản trị công ty tại Việt Nam, khi e ngại:
-
- Công bố thông tin sở hữu
-
- Công bố thông tin về vai trò của kiểm toán độc lập
-
- Công bố thù lao lãnh đạo, bao gồm Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, và ban điều hành
-
- Xây dựng uỷ ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị
ASEAN chỉ nhận được 11% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu.
Bởi vì yêu cầu tối thiểu để được ACGS đánh giá là cung cấp thông tin cho cổ đông quốc tế bằng tiếng Anh.
Hay trong kỳ đại hội cổ đông cho phép:
-
- Cổ đông có thể tham gia và thực thi quyền ra quyết định ngay cả khi không đến Việt Nam tham dự kỳ đại hội cổ đông
-
- Có thể tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến (hybrid)
-
- Bỏ phiếu điện tử
Vì kỳ đại hội luôn là thời điểm tốt nhất để triển khai nguyên tắc quản trị và đáp ứng các kỳ vọng mới.
Hay chưa phân quyền và trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng quản trị và tổ công tác cập nhật các nguyên tắc quản trị công ty vượt trên tuân thủ để cải thiện ngay trong ngắn hạn, vì chưa coi nó là mục tiêu quan trọng.
6. Giải pháp quản trị doanh nghiệp cho Việt Nam
Đã phát hiện được nguyên nhân, vậy đâu là định hướng cho hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam?
Sự thật là để cải thiện chất lượng quản trị công ty, cần có sự tác động của nhiều yếu tố:
-
- Nội tại và bên ngoài
-
- Chủ quan và khách quan
-
- Các chủ thể và bên liên quan
Đối với Nhà nước, nên tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giám sát, đảm bảo tuân thủ, thực hiện tốt các quy định pháp luật về quản trị công ty bằng quyền lợi, chế tài, xử phạt.
Bên cạnh đó, các bên liên quan như Cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng,…
Cần phải đòi hỏi, nâng cao tiêu chuẩn có liên quan tới quản trị công ty khi cân nhắc đầu tư, mua bán, hợp tác,…
Để thúc đẩy, tạo sức ép cho các công ty phải nghiêm khắc thực hiện quản trị doanh nghiệp, thì mới có “mối làm ăn”
Như vậy, vừa đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Vừa thúc đẩy hợp tác lâu dài vì nâng cao tiêu chuẩn, hiệu quả của các công ty trong hệ sinh thái.
Dũng nêu một ví dụ không xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam nhé.
ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là tiêu chuẩn đo lường các yếu tố phát triển bền vững.
Các quỹ đầu tư, đối tác nước ngoài yêu cầu công ty Việt Nam nâng cao chất lượng thực hành ESG để cạnh tranh trở thành đối tượng hợp tác với họ.
Ngược lại, những doanh nghiệp bảo thủ, với cách làm truyền thống, không chịu thay đổi, thích nghi với thị trường sẽ dần bị loại khỏi sân chơi quốc tế ngày càng cao về tiêu chuẩn.
Và quan trọng nhất, hơn cả những yếu tố khách quan, bên ngoài mà Dũng vừa đề cập kia,
Đó chính là sự TỰ NHẬN THỨC về lợi ích vượt trội, toàn diện khi thực hành quản trị doanh nghiệp tốt.
Đó là ý nghĩa của bài viết này, cũng không phải bài viết này.
Vì trong khuôn khổ một bài viết ngắn gọn như thế này, những gì Dũng có thể chia sẻ cho bạn cực kỳ ít ỏi về quản trị công ty, với mong muốn khơi gợi trong bạn khát vọng phát triển bền vững với hoạt động này.