Các kĩ năng lãnh đạo cần phải có

Đăng ngày 12/10/2023 lúc: 10:1819 lượt xem

Các kĩ năng lãnh đạo cần phải có

CEO Trần Trí Dũng giải thích về các kĩ năng lãnh đạo cần phải có trong bài viết này. Các nhà quản trị kinh doanh hãy cùng tham khảo và ghi nhớ nhé!

Cho dù bạn bất ngờ được thăng chức và bạn phải nhanh chóng học cách lãnh đạo nhân viên hoặc bạn muốn trau dồi kĩ năng để trở thành lãnh đạo trong tương lai thì dưới đây là 6 kĩ năng lãnh đạo mà bạn cần phải học cách phát triển.

“Hàng hóa có thể quản lí, nhưng con người thì phải được dẫn dắt.” – G. Ross Perot

1. TẦM NHÌN

Tập trung vào bức tranh lớn

Hiểu rõ cách mà đội nhóm của bạn làm việc làm sao đạt được năng suất cao nhất, góp phần xây dựng hình ảnh và mang lại thành công cho công ty. Lên kế hoạch dài hạn cho các bộ phận, sau đó trao đổi với cấp trên và nhân viên về kế hoạch đó. Thiết lập các kế hoạch cá nhân và đội nhóm một cách thực tế nhất, có thể đo lường được, đồng thời gắn những kì vọng của bạn vào một bức tranh tổng thể.

Hãy luôn tham vọng

Tham vọng không có nghĩa là bạn phải trở nên hung hăng hay tham lam. Hãy sử dụng sự tham vọng đó một cách khôn ngoan. Bạn không cần phải leo lên lưng người khác để có thể tiến lên nấc thang tiếp theo trong công việc. Xác định rõ mục tiêu trong công việc của bạn và sẵn sàng chấp nhận thách thức, cơ hội. Chuẩn bị người kế nhiệm tiềm năng cho mình. Nếu bạn cho thấy vị trí của bạn không thể thay thế thì bạn sẽ khó thăng tiến được.

2. TIN TƯỞNG

Hiểu rõ bản thân mình

Biết rõ những điểm mạnh của mình, cải thiện những điểm yếu. Không bao giờ e sợ việc phải trả lời các câu hỏi hay tham gia một khóa huấn luyện bên ngoài nào đó để nâng cao trình độ. Bạn không cần phải biết mọi thứ hoặc phải là người giỏi nhất. Nếu bạn không giỏi trong việc thực hiện các việc lặt vặt, chi tiết thì hãy chắc chắn bạn tập hợp quanh mình một đội giỏi hơn bạn trong việc đó.

Tập hợp quanh mình những người có thể khiến công ty của bạn phát triển chứ không phải những kẻ “vâng, dạ” chỉ nói những cái mà chúng nghĩ bạn thích nghe.

Học cách ra quyết định

Lên kế hoạch cho những cái không mong muốn có thể xảy ra và sẽ chẳng có gì có thể khiến bạn bị bất ngờ nữa. Nếu bạn chuẩn bị trước cho những tình huống xấu có thể xảy ra, bạn có thể đưa ra những quyết định dứt khoát và hành động đúng đắn khi cần thiết.

Kiểm soát stress

Nếu bạn cảm thấy mình phải kiểm soát một cái gì đó, hãy kiểm soát stress. Giống như một ai đó đã nói rằng: “Đừng để chúng thấy bạn yếu đuối”. Tin tưởng vào bản thân mình, khích lệ nhân viên của bạn và họ sẽ tin tưởng bạn.

Chấp nhận những lời chỉ trích

Thể hiện sự tự tin của bạn bằng cách chấp nhận những bình luận tiêu cực của người khác, không bảo thủ, kiêu ngạo hay bị khuất phục. Hãy tìm ra một cái gì đó hữu ích và mang tính xây dựng trong những lời chỉ trích đó và nói lời cảm ơn họ. Thể hiện tính chuyên nghiệp và sự trưởng thành của bạn.

6 kĩ năng lãnh đạo quan trọng nhất

3. KĨ NĂNG LÃNH ĐẠO CON NGƯỜI

“Xây dựng sự tin tưởng trong nhân viên trước khi bạn tín nhiệm giao cho họ một công việc quan trọng.”  – Russell J. White

Lắng nghe

Luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên. Tìm hiểu các chính sách, vấn đề đang cản trở đội nhóm của bạn làm việc hiệu quả, nhiệt tình. Lắng nghe quan điểm sống, mong muốn của nhân viên, những vấn đề của họ và động viên họ giải quyết chúng.

Linh động

Một người lãnh đạo mạnh mẽ không có nghĩa là lúc nào cũng phải luôn đúng. Hãy cởi mở với những ý kiến bất đồng, các ý tưởng và sáng kiến mới. Nếu nhân viên của bạn cảm thấy thoải mái trong việc đưa ra các kiến nghị của mình với cấp trên, họ sẽ tích cực tìm kiếm các cách thức để thúc đẩy công việc hiệu quả hơn.

Học cách hỗ trợ

Cho thấy sự cảm thông và tính kiên nhẫn với những người không được thông minh và nhanh nhạy như bạn. Luôn đối xử với đồng nghiệp và nhân viên của bạn một cách lịch sự, thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến họ như những người bạn. Hãy ghi nhớ: Cách mà bạn tương tác với người khác cho thấy khả năng lãnh đạo của bạn đang ở mức nào.

4. KĨ NĂNG TRUYỀN ĐỘNG LỰC

Động viên mọi người

Một nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng truyền cảm hứng, tạo động lực và vực dậy tinh thần cho nhân viên. Một người cố vấn. Tập trung giúp họ phát huy hết khả năng của bản thân, khuyến khích họ đưa ra các sáng kiến cho công việc.

Ăn mừng thành công

Hãy nhanh chóng khen ngợi. Một tấm thiệp viết tay- không phải một tờ giấy dán- chúc mừng và cám ơn nhân viên đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc sẽ giúp bạn tạo được lòng trung thành của nhân viên. Khi một số thứ không được như mong đợi, không chỉ trích nhân viên, chỉ chỉ trích công việc họ làm.

Đứng sau nhân viên 

Là một nhà lãnh đạo, không có nghĩa là nhân viên sẽ phải đi theo bạn. Bạn cần phải cho họ thấy, bạn luôn ở đằng sau họ. Hiểu rõ nhu cầu nhân viên của bạn. Cho dù đó là tăng cường đào tạo, nâng cấp công cụ, công nghệ mới hoặc một sự thay đổi trong nhiệm vụ, hãy luôn sẵn sàng chiến đấu vì nhân viên của bạn. Không phải lúc nào bạn cũng sẽ thành công, nhưng điều đó cho thấy bạn luôn ủng hộ họ.

 

Giúp đỡ

Trò chuyện với nhân viên bất cứ khi nào có thể, thậm chí chỉ là vài phút nghỉ trưa. Cho họ thấy bạn hiểu những thách thức trong công việc của họ kể cả bạn không có kinh nghiệm trong công việc đó. Sẽ tốt hơn nếu bạn trình bày rõ ràng những kì vọng của bạn với họ, làm cho công việc của họ ý nghĩa hơn, để làm được điều đó hãy luôn cập nhật kiến thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những nhân viên của bạn.

5. TRÁCH NHIỆM

“Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm lớn lao” – Sir Winston Churchill

Chấp nhận bị xấu hổ

Có một tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu một nhân viên giao hàng chậm trễ hoặc thông tin về một dự án không chính xác, hãy thay mặt nhân viên nhận lỗi, xin lỗi và thực hiện các hành động sửa sai. Ai gây ra lỗi không còn quan trọng vào thời điểm đó, mà bây giờ là làm thế nào để giải quyết vấn đề.

Giải quyết vấn đề

Là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ cần phải thực hiện một số quyết định khó khăn đôi khi không được lòng nhân viên. Bạn sẽ cần phải xử lí các xung đột và giúp mọi người chấp nhận sự thay đổi. Giao tiếp là chìa khóa. Nếu bạn cam kết làm việc 100% tinh thần, bạn sẽ tìm ra những cách sáng tạo để giải quyết vấn đề.

Lãnh đạo bằng các ví dụ

Luôn cho thấy bạn có khả năng làm tốt mọi việc như bất kì một ai khác. Dù bạn có thích việc đó hay không, hãy luôn công bằng, đừng chỉ chọn những việc mà bạn thích làm. Hãy giữ những lời phàn nàn, tiêu cực cho riêng bản thân. Duy trì một thái độ tích cực, bất chấp mọi vấn đề có thể xảy ra.

6. NGAY THẲNG

“Phẩm chất của một nhà lãnh đạo thể hiện qua các giá trị chuẩn mực mà họ tự đặt ra cho bản thân mình.”– Ray Kroc

Làm những việc bạn cho là đúng

Khi bạn phải đối mặt với một quyết định đi ngược lại các giá trị của bạn, hãy lên tiếng. Nếu bạn được yêu cầu để làm một cái gì đó bất hợp pháp hoặc vô đạo đức, hãy từ chối. Đứng lên cho chính mình và cho quyền lợi của nhân viên của bạn hoặc đội nhóm của bạn.

Chân thật

Khi bạn nói ra một điều gì đó, hãy giữ lời. Nếu bạn không thể hứa hẹn một cái gì đó, đừng hứa. Khi bạn làm một việc gì đó sai lầm, chấp nhận và xin lỗi. Bạn sẽ luôn gây được ấn tượng tốt với cấp trên, nhân viên và khách hàng nếu bạn chân thật.

Không nghe theo những tin đồn

Không lan truyền những tin đồn không tốt về người khác. Hãy mạnh mẽ và nói rằng:“Tôi không thích bàn tán chuyện cá nhân của người khác”, nó thể hiện sự chính trực, ngay thẳng của bạn. Thể hiện sự tôn trọng người khác và họ cũng sẽ không nói xấu bạn.

Làm việc hết mình

Luôn làm việc hết mình, thể hiện sự tôn trọng người khác. Luôn luôn cống hiến tài năng và những kiến thức tốt nhất trong khả năng của mình cho mọi công việc, bạn sẽ khiến người khác ngưỡng mộ và cam kết đi theo bạn đến cùng.

Nguồn sưu tầm: PDCA

Các kĩ năng lãnh đạo cần phải có